TS Vũ Đình Ánh cho rằng, nên để Bộ Công thương quản lý xăng dầu.
TS Vũ Đình Ánh cho rằng, nên để Bộ Công thương quản lý giá xăng dầu.

Góp ý tại Tọa đàm trực tuyến “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia – Tiếng nói người trong cuộc”, sửa những lỗ hổng trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu sáng 6/3, chuyên gia Kinh tế, TS Vũ Đình Ánh nêu: “Vấn đề lớn nhất của thị trường hiện nay là tạo ra sự đối đầu giữa đầu mối và phân phối – bán lẻ và cốt lõi vấn đề thời gian qua là xung đột lợi ích”.

“Vấn đề này phải khắc phục ngay dù sửa hay không sửa Nghị định 83, 95”, ông Ánh nói và nêu quan điểm: “Chỉ nên có hai bộ phận: một là đầu mối, còn lại là phân phối và khi nhìn nhận lại vai trò của từng bộ phận. Phải đảm bảo tính độc lập của bên phân phối, không nên bàn về chiết khấu nữa, thay vào đó tạo điều kiện cho họ tiếp cận thị trường, kinh doanh trên thị trường”.

Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét thêm quyền ra khỏi thị trường đối với bên phân phối. Doanh nghiệp lỗ thì có quyền được ra khỏi thị trường.

Theo ông Ánh: “Chúng ta không có thị trường xăng dầu vì can thiệp rất nhiều. Chúng ta xác định giá cơ sở, từ đó xác định giá bán lẻ, đầu mối nắm quyền quyết định, còn lại bao nhiêu phía dưới điều chỉnh, điều này mang tính độc quyền nhóm – chưa phù hợp với luật cạnh tranh”.

Thực tế cho thấy, cơ quan quản lý đưa ra mức trần để các doanh nghiệp điều chỉnh cho phù hợp để cạnh tranh với nhau. Nhưng những năm qua, không ai cạnh tranh giá cả, mà nghiễm nhiên lấy mức trần. 

“Quy định công khai rõ ràng về công thức xác định giá, tuy nhiên quy định vẫn đứng về phía doanh nghiệp đầu mối, chưa tính đến quyền của bên phân phối. Giá phải căn cứ vào tính chất hàng hoá – đó là xăng dầu, phải tạo được tính độc lập cho bên phân phối, giảm sự phụ thuộc vào đầu mối”, ông Ánh nói.

Theo ông Vũ Đình Ánh, các thương nhân phân phối không chỉ có quyền tiếp cận đầu mối, mà còn phải có quyền tiếp cận lẫn nhau. “Chúng ta thấy tình trạng buồn là “đá bóng” cho nhau khiến phân phối chịu trận. Nhân dịp này, nên sửa luôn cơ quan quản lý giá xăng dầu, cụ thể hơn là Bộ Tài chính chuyển về cho Bộ Công thương. Tôi tin Bộ Công thương sẽ có cách điều chỉnh giá nhịp nhàng, phù hợp hơn”.

Đưa xăng dầu về một đầu mối quản lý là Bộ Công thương cũng là ý kiến được nêu bởi ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính).

“Về điều hành giá, cần sửa thẩm quyền điều hành giá xăng dầu, giao 1 đầu mối là Bộ Công thương. Lý do, Bộ Công thương phụ trách quy hoạch, hệ thống, hạn ngạch, chỉ tiêu, cung cầu. Cơ cấu giá có 10 yếu tố, Bộ Công thương tính toán hết. Thẩm quyền định giá bán lẻ thì giao doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự tính toán, cạnh tranh với nhau. Đây không phải Nhà nước thả nổi, mà là quản lý gián tiếp theo quy chế thị trường”, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa 

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, năm 2022, diễn biến giá xăng dầu phức tạp, xung đột Nga – Ukraine khiến giá xăng dầu thế giới tăng cao, ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước. Vì vậy, cần rà soát quy định liên quan để sửa, khắc phục bất cập của thị trường.

Thời gian qua, Bộ Tài chính phối hợp Bộ Công thương và cơ quan liên quan trong quá trình vận hành thị trường. Hiện nay, công thức giá cơ sở gồm: Giá thế giới chiếm 60-70%; chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, chi phí đưa từ nhà máy lọc dầu về cảng, từ nước ngoài về Việt Nam khoảng 9%; các loại thuế từ 11-20%. Còn lại chi phí lợi nhuận định mức và chi phí trong lợi nhuận xăng dầu.

Chi phí được công khai ở Nghị định 95. Riêng chi phí định mức (đưa từ nhà máy lọc dầu đến cảng…) được công bố định kỳ. Chi phí định mức công bố 1 năm/1 lần. Các chi phí còn lại công bố 6 tháng/lần. Thời gian qua, Bộ Tài chính thực hiện nghiêm túc công bố thông tin về tính giá cơ sở.

Về chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ, theo ông Tiến, doanh nghiệp phản ánh chi phí thấp, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Giá chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố như dự báo giá, hàng tồn kho… Khâu đánh giá chi phí với chiết khấu theo chuỗi từ bán buôn đến bán lẻ. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Công thương về chi phí chiết khấu cho bán lẻ.

Liên quan đến một số vấn đề được các doanh nghiệp bán lẻ và doanh nghiệp phân phối kêu liên quan đến chiết khấu, chi phí kinh doanh, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương  cho rằng, chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố, cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho…

“Chúng ta phải đặt câu hỏi có nước nào quy định chiết khấu tối thiểu không? Nhà nước có nên can thiệp hoạt động các doanh nghiệp không? Nếu có thì tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là hợp lý, khoa học?”.

“Nếu đưa chiết khấu vào là thể hiện yếu tố tăng thêm chi phí thì giá xăng dầu tăng lên thì quyền lợi người tiêu dùng thế nào? Kiểm soát CPI nhà nước làm sao? Như vậy có công bằng không trong nền kinh tế”… là những vấn đề được ông Đông nêu.

Với đề xuất bỏ giấy phép chứng nhận môi trường, phòng cháy chữa cháy cũng nên cắt giảm cho doanh nghiệp cũng được ông Đông đồng tình, đồng thời cho biết, tới đây, Bộ Công thương sẽ tiếp thu ý kiến sửa Nghị định 95, 83. Việc tính chi phí, tính rà soát cần phải tính đúng, tính đủ và kịp thời cho doanh nghiệp. Nhưng nên trả về thị trường nhiều hơn, trao quyền cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên
PGS.TS Trần Đình Thiên.

Phải hướng tới tự do cạnh tranh

Về điều tiết thị trường, có 2 điểm mấu chốt, giá phải gắn với cạnh tranh tự do. Đây là vấn đề cơ bản. Hoạt động tổ chức điều hành thị trường bao gồm cả vai nhà nước. Đáng lý Chính phủ giao việc này hai Bộ phải thực hiện tốt. Tình thế như lần này, đặc biệt là xăng dầu, cho thấy cơ chế đang thấy vấn đề? Đừng cố gắng đổ lỗi, phải xác định và vượt qua nó thế nào, bên nọ đổ bên kia thì doanh nghiệp đã yếu càng yếu hơn.
Về giá, cần gắn với quy định trần giá, ảnh hưởng tới khái niệm chiết khấu, tạo ra vị thế độc quyền, nên có 1 số nhóm bị ảnh hưởng. Đã có giá trần còn giao cho anh đầu mối quyền định giá chiết khấu, nên làm thị trường xăng dầu vỡ, nên nhận diện, tháo gỡ.