Chuyển đổi số để doanh nghiệp, người dân hưởng lợi

Ngày 27-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (ủy ban), đã chủ trì phiên họp lần thứ 2 của ủy ban để đánh giá kết quả thực hiện vào quý I/2022 và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

Doanh thu kinh tế số quý I đạt 53 tỉ USD

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Huy Dũng (cơ quan thường trực của ủy ban) cho biết đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng. Theo ước tính của Bộ TT-TT, doanh thu kinh tế số quý I/2022 đạt khoảng 53 tỉ USD. Trong đó kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỉ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%.

Chuyển đổi số để doanh nghiệp, người dân hưởng lợi - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số .Ảnh: NHẬT BẮC

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tỉ lệ số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hiện đã đạt 100%. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chứa thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 1 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc.

Cổng Dịch vụ công quốc gia hiện đã tích hợp 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỉ lệ nhân lực kỹ thuật/tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%. Đây là tỉ lệ tương đối thấp so với một số quốc gia như Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%). Để nâng tỉ lệ lên 2%, Việt Nam cần đào tạo được tối thiểu 70.000 sinh viên chuyên ngành kỹ thuật mỗi năm, tăng khoảng 40% so với hiện nay.

Không chỉ vấn đề số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cũng là thách thức lớn. Các công nghệ số đang có tốc độ phát triển nhanh nhưng chương trình đào tạo đang chưa theo kịp. Để giải quyết vấn đề, nhiều quốc gia đã xác định phát triển đại học số là giải pháp đột phá giúp bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Đại học số, hiểu một cách đơn giản là chuyển đổi số giáo dục, đưa toàn bộ hoạt động của trường đại học, giảng viên và sinh viên lên môi trường số.

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số đã tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu, trở thành nguồn lực cho kinh tế số phát triển, mở ra không gian phát triển mới cho đất nước. Song, muốn chuyển đổi số cần nhanh chóng phát triển hạ tầng băng thông rộng, các nền tảng số quốc gia và địa phương do người Việt Nam làm chủ… trên cơ sở huy động tổng lực cả hệ thống chính trị.

Đẩy mạnh thanh toán học phí, viện phí không tiền mặt

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương một số kết quả đạt được trong chuyển đổi số. Dù vậy, cần quán triệt tinh thần nhiệt huyết, cảm xúc, trách nhiệm với công việc, không hình thức, “không đánh trống ghi tên”… Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách còn chậm, thiếu sự phối hợp cần phải nỗ lực nhiều hơn nhất là huy động doanh nghiệp, người dân vào công tác xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách.

Tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mới gần 54% và hồ sơ xử lý trực tuyến còn thấp, khoảng 9,4%. Chưa hình thành được hệ sinh thái công dân số dẫn đến người dân vẫn chưa được thụ hưởng nhiều tiện ích quan trọng như y tế, giáo dục, bảo hiểm, ngân hàng, giao thông…

Thủ tướng cho rằng trong chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu là rất quan trọng nhưng nhiều năm qua các bộ, ngành chưa quan tâm đúng mức, tạo nền tảng hình thành cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI).

“Chuyển đổi số là một động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là nền tảng cho một nền kinh tế hiện đại. Chuyển đổi số cần hiệu quả, có sản phẩm để doanh nghiệp, người dân được hưởng lợi” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng giao Bộ TT-TT công bố chính thức danh sách các nền tảng số đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành triển khai hệ thống phục vụ thống kê, theo dõi dự án đầu tư công cho chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số…

Thủ tướng giao Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan hoàn thiện dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử, trình Chính phủ ban hành trong tháng 5-2022.

Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng chấp nhận thanh toán viện phí, thanh toán các khoản chi phí khám chữa bệnh theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở đào tạo sẵn sàng chấp nhận thanh toán học phí theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai mô hình “Giáo dục đại học số”, hoàn thành Đề án thí điểm trong quý II/2022.

Bộ Công Thương thúc đẩy thương mại điện tử, thương mại số. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ sở dữ liệu để người nông dân có thể khai thác trong nuôi, trồng, sử dụng đất đai có hiệu quả, có thị trường, có liên kết.


THẾ DŨNG