CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG TP HCM: Đồng hành giữ ổn định giá hàng hóa

Được triển khai lần đầu tiên vào năm 2002, chương trình bình ổn thị trường (BOTT) TP HCM đã có 20 năm xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện để đồng hành với người dân TP HCM, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Trong suốt 20 năm, chương trình không ngừng nỗ lực tạo nguồn cung ứng ổn định, chất lượng đủ sức dẫn dắt, chi phối thị trường.

Bình ổn một phần chi phí đầu vào

Thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) đang chu kỳ sản xuất, kinh doanh hàng Tết trong điều kiện khó khăn hơn mọi năm do giá nguyên liệu đầu vào biến động rất nhanh, giá xăng, lãi suất ngân hàng (NH)… đồng loạt tăng. Theo các DN ngành lương thực thực phẩm, do thanh khoản của các NH kém, một số DN đang tạm thời thiếu vốn trong khi nhu cầu vốn lưu động đang tăng đột biến. Ở đầu ra, giá một số mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng nhanh, hóa phẩm… đã rục rịch tăng từ cuối tháng 10, làm gia tăng sức ép lên mặt bằng chung của giá hàng hóa cuối năm.

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia chương trình bình ổn và giữ thị phần chi phối, các DN hiểu rõ áp lực giữ giá để dẫn dắt mặt bằng giá chung.

Để làm được việc đó, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, DN cần nguồn vốn với lãi suất ổn định để dự trữ nguyên vật liệu ít nhất 3-6 tháng.

Nắm bắt thực tế này, TP HCM đang đẩy mạnh kết nối NH với DN nhằm cung cấp thêm nguồn vốn bình ổn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Mới đây, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, đã khẳng định thời gian tới, ngành NH tiếp tục mô hình cho các DN BOTT vay với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung từ 1%-2% đồng thời tiếp tục thực hiện các khoản cho vay đối với nhóm DN này. “Ngành NH TP HCM đã xác định vai trò cung ứng vốn với lãi suất phù hợp/lãi suất ưu đãi cho các DN BOTT là một trong những nhiệm vụ của ngành NH, vì vậy các NH luôn tích cực đồng hành cùng chương trình” – ông Lệnh cam kết.

CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG TP HCM: Đồng hành giữ ổn định giá hàng hóa - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp bình ổn thị trường đang được vay vốn với lãi suất thấp hơn thị trường 1%-2% để sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường Tết

Theo thống kê của NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, hiện đang có 11 NH tham gia hỗ trợ vốn lãi suất ưu đãi cho 69 DN BOTT TP HCM. Nhiều năm nay, thông qua kết nối của Sở Công Thương TP và NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, các NH đã liên tục bơm vốn, giữ ổn định lãi suất cho các DN, góp phần hỗ trợ DN giữ ổn định chi phí sản xuất, ổn định giá thành và giá bán. Gần đây nhất, NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn giữ nguyên mức lãi suất cho vay đối với các DN BOTT đồng thời tiếp tục cho các DN BOTT vay với lãi suất ưu đãi. Nhờ vậy, các DN được bổ sung nguồn vốn kịp thời để yên tâm tăng sản xuất, kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thành phố giao.

Đẩy mạnh các hoạt động liên kết

Nhìn lại 20 năm thực hiện chương trình BOTT, các chuyên gia kinh tế cho rằng một trong những chìa khóa quan trọng tạo nên thành công của chương trình còn là sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước. Vai trò của các sở, ngành chức năng không chỉ thể hiện qua hoạt động kết nối DN với NH giúp DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng với chi phí hợp lý mà còn được minh chứng qua các chương trình kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ giúp DN tìm kiếm nguyên liệu đầu vào, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu lẫn đẩy mạnh thị trường đầu ra.

“TP HCM đã phối hợp các tỉnh, thành khác triển khai nhiều giải pháp liên kết đầu tư phát triển sản xuất, phát triển hạ tầng thương mại, tiêu thụ hàng hóa.

CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG TP HCM: Đồng hành giữ ổn định giá hàng hóa - Ảnh 2.

TP HCM sẽ đẩy mạnh kết nối cung – cầu hàng hóa với các tỉnh, thành nhằm bảo đảm nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định cho người dân

Các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN TP HCM an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư nhà máy, mở rộng chuồng trại, ứng vốn cho nông dân trồng trọt, chăn nuôi; liên kết hỗ trợ các hợp tác xã nuôi trồng. Đến nay, các DN BOTT TP HCM đều đã xây dựng các chuỗi liên kết, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài tại các tỉnh, thành” – ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, nêu.

Trên thực tế, thông qua hoạt động kết nối cung – cầu hàng hóa, kết nối tiêu thụ hàng nông sản, đặc sản từng địa phương; hệ thống phân phối, nhà tiêu thụ TP HCM tìm được nhiều nhà cung cấp có uy tín, các sản phẩm chất lượng, các sản phẩm làng nghề, sản phẩm của các HTX có điều kiện tiếp cận đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại. Ngược lại, các DN TP HCM có thế mạnh trong sản xuất, chế biến và phân phối hàng hóa, có thị phần và nguồn lực vốn thực hiện liên kết, hợp tác với DN địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, thực hiện các dự án sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu và mở rộng mạng lưới phân phối gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động và thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường ngay tại các địa phương.

Từ những nỗ lực này, TP HCM đã từng bước tạo được nguồn cung hàng hóa ổn định, dồi dào và chiếm thị phần lớn, chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý và được phân phối thông qua hệ thống phân phối bán lẻ rộng khắp. Do đó, có khả năng điều hòa cung – cầu, dẫn dắt thị trường, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội.

Tăng hiệu quả nhận diện thương hiệu BOTT

Đến nay, chương trình BOTT đã trở thành thương hiệu riêng của TP HCM, danh xưng “DN BOTT” giúp các DN dễ dàng nhận được sự tin cậy, ủng hộ của người tiêu dùng không chỉ ở TP HCM mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác. Từ lợi thế này, nhiều DN đã phát triển nhanh và về doanh thu và lợi nhuận, vươn lên tốp đầu trong lĩnh vực mình hoạt động.

Dù vậy, theo các DN, cần có cách làm mới sao cho hệ thống nhận diện thương hiệu của chương trình BOTT thật sự gần gũi, quen thuộc đối với người tiêu dùng, từ đó đông đảo người tiêu dùng nhận diện và lựa chọn hàng BOTT.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, các DN BOTT đã dẫn dắt, tạo động lực cho DN ngoài chương trình tạo ra nguồn hàng hóa dồi dào, đa dạng, cung ứng với giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, chương trình cũng tác động tích cực đến nông dân, nhà sản xuất không trực tiếp phân phối sản phẩm cho thị trường thông qua sự hỗ trợ trực tiếp từ phía các DN tham gia bình ổn. Hiệu ứng lan tỏa này có ý nghĩa quan trọng đối với việc góp phần giảm áp lực tăng giá.

Thời gian tới, TP HCM định hướng việc chủ động nguồn cung, điều tiết cung – cầu, dự báo chính xác thị trường, khuyến nghị sản xuất theo thị trường; hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình. Bên cạnh đó, thành phố sẽ đẩy mạnh phát huy nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia BOTT; gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối, giảm chi phí trung gian, hỗ trợ đưa nguồn vốn bình ổn vào sản xuất, kinh doanh… Các DN tin tưởng thông qua những giải pháp này, chương trình sẽ đóng góp lớn đến sự ổn định, cân đối cung cầu hàng hóa không chỉ cho TP HCM mà còn cho cả khu vực phía Nam.


Bài và ảnh: Thanh Nhân