Chứng khoán vào vùng đáy là cơ hội đổi đời của nhà đầu tư

Tại tọa đàm do chủ đề “Xu thế mới lựa chọn mới” do trang thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz (vietnambiz.vn), Việt Nam Mới (vietnammoi.vn) và Công ty CP WiGroup tổ chức ngày 27-9, các chuyên nhận định trong ngắn hạn, chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ không thuận lợi cho thị trường chứng khoán nhưng đây cũng là cơ hội tốt để chọn lọc cổ phiếu đầu tư.

Ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc Công ty CP WiGroup, cho biết có đơn vị dự phóng kinh tế Việt Nam tăng 13,8% trong quý III, điều này sẽ hỗ trợ tăng trưởng cả năm. Về năm 2023, ông Báu nhận định tăng trưởng GDP chậm lại, có thể xuống thấp hơn mức trước đại dịch; áp lực lạm phát lớn hơn so với 2022, có thể lên tới 4,1%, tức là cao hơn mục tiêu 4% của Chính phủ. Tuy nhiên, lãi suất năm 2023 sẽ đi ngang, áp lực tỉ giá sẽ không còn nặng nề và dòng tiền được kỳ vọng sẽ phục hồi dần. 

Chứng khoán vào vùng đáy là cơ hội đổi đời của nhà đầu tư - Ảnh 1.

Tạo đàm Xu thế mới, lựa chọn mới

Ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research, cho rằng rủi ro cho nhà đầu tư chứng khoán từ nay đến cuối năm và 2023 là chính sách tiền tệ có xu hướng thắt chặt hơn, cung tiền giảm và lãi suất tăng. Đặc biệt, thanh khoản thị trường bất động sản có nguy cơ sụt giảm, đặc biệt trong 2023 và 2024 có rủi ro lớn đến từ đáo hạn nợ trái phiếu, trong hai năm tới khối lượng trái phiếu đáo hạn gần 250.000 tỉ đồng sẽ tác động tiêu cực tới ngành địa ốc và ngành ngân hàng.

Theo ông Châu, xu hướng thị trường chứng khoán trong thời gian tới sẽ khó lường trong bối cảnh điều kiện vĩ mô chưa thuận lợi, không rõ ràng. Tuy nhiên trong nguy có cơ, nhà đầu tư cần cần chắt lọc, thẩm định kỹ hơn. Cơ hội đầu tư dài hạn sẽ tốt khi thị trường chứng khoán suy giảm nhưng cũng cần định giá kỹ, nhà đầu tư cần lưu ý giá nào, thời điểm nào cần mua, bán. 

Cũng quan điểm này, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty CP FIDT, đánh giá hiện nay là cơ hội đổi đời của nhà đầu tư chứng khoán. Bởi trong bối cảnh kinh tế thế giới không mấy tốt đẹp, Việt Nam sẽ ghi nhận tăng trưởng quý III/2022 đạt kỷ lục trên nền so sánh thấp của năm ngoái. 

Ở cương vị là người đầu tư và quản lý tài sản cũng như phân bổ tài sản cho khách hàng, ông Tuấn cho biết rất thích thị trường ở giai đoạn này. Bởi đây là giai đoạn lựa chọn “hàng tốt” và , lợi thế thuộc về người mua. Ở giai đoạn này, nhà đầu tư đổi đời nếu tìm đúng “long mạch”. Tuy nhiên tuỳ theo khẩu vị của từng người, nhưng nếu là người nghỉ hưu thì nên chọn gửi tiết kiệm cho an tâm.

Một chuyên gia khác tại hội thảo lại cho rằng trong lúc thị trường đang khó khăn, khi đang bị lỗ, nhà đầu tư đang trong cái hố thì đừng cố đào thêm nữa. Nếu có nguồn vốn hỗ trợ thì có thể bình quân giá, còn không thì nên học “bơi”. Bởi, trong giai đoạn này, càng có tâm lý nôn nao “càng gỡ càng chết”. Nhà đầu tư nên điều chỉnh tâm lý, nếu thất bại giai đoạn này thì chờ và chọn danh mục cơ cấu lại danh mục, chờ chu kỳ bùng nổ tiếp theo của kinh tế và chứng khoán. 

Kinh tế tốt sao cổ phiếu lại giảm sâu?

Chuyên gia kinh tế- TS Đinh Thế Hiển đặt câu hỏi vì sao các chuyên gia, các diễn đàn hô hào kinh tế tốt, nhiều cổ phiếu rẻ nhưng thị trường chứng khoán vẫn lình xình, thậm chí là giảm sâu?

Ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng đầu tư chứng khoán phụ thuộc rất lớn vào sự kỳ vọng, thị trường chứng khoán luôn biến động trước nền kinh tế. Hai quý đầu năm, tăng trưởng và xuất khẩu đều giảm nên thị trường chứng khoán phản ánh trước nửa năm. Chưa kể chi phí lãi vay đang tăng dẫn tới dòng tiền bị rút ra.

“Thị trường chứng khoán là thị trường của dòng tiền, tiền ít thì cổ phiếu không thể lên được. Xét trong ngắn hạn, thị trường biến động theo cung cầu, về dài hạn thị trường mới phản ánh nền tảng của doanh nghiệp. Do vậy nhà đầu tư không nên ngạc nhiên về điều này”- ông Tuấn nhấn mạnh.


Bài, ảnh: Sơn Nhung