.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại hội trường.

Chiều 27/10 Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội, ngân sách.

Bên cạnh ghi nhận kết quả và đóng góp thêm vào những bài học của năm 2022, nhiều đại biểu cũng tham gia thảo luận về kế hoạch 2023.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) dự báo năm 2023, kinh tế thế giới phải đối mặt với nguy cơ đầy thách thức của vòng xoáy lạm phát và suy thoái. Nguy cơ khủng hoảng kinh tế thế giới nếu xẩy ra sẽ trầm trọng hơn, vì chịu tác động cộng hưởng của hai thảm hoạ là chiến tranh và bệnh dịch.

Trước đây, khủng hoảng kinh tế thế giới thường bắt đầu từ khủng hoảng tài chính ở một tung tâm rồi lan toả ra thế giới và chuyển thành khủng hoảng kinh tế. Nguy khủng hoảng lần này lại bắt nguồn trực tiếp từ đình trệ sản xuất do đứt gãy chuỗi cung ứng cùng với khủng hoảng tài chính xẩy ra đồng loạt ở hầu hết các trung tâm kinh tế lớn của thế giới.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, Vậy làm thế nào để chúng ta vượt qua được vòng xoáy khủng hoảng của thế giới là một bài toán vô cùng khó, cần phải tìm ra lời giải, đại biểu Cường đặt vấn đề.

Trước bối cảnh đó, theo đại biểu Hoàng Văn Cường thì không nên say sưa với thành công mà phải nhìn thẳng vào nguy cơ, thách thức đang đặt ra phía trước.

Do vậy, ông Cường đồng tình với chính phủ khi đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức khoảng 6,5% trên nền tăng trưởng 8% của năm 2022 là mục tiêu khá cao nhưng vừa đủ để có thể phấn đấu.

Góp ý về giải pháp, ông Cường cho rằng, sang năm 2023, thời hạn hỗ trợ các chính sách tài khóa kết thúc. Các doanh nghiệp vừa phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính hiện tại, vừa phải trả dần các khoản tiền được giãn, hoãn trong 2 năm qua; cộng vào đó là phải thanh toán các khoản nợ đến kỳ đáo hạn. Trong bối cảnh kinh tế rơi vào khủng hoảng, thị trường thu hẹp, nghĩa vụ tài chính nặng nề như trên sẽ đẩy nhanh doanh nghiệp đi đến bờ vực phá sản.

“Do vậy, ngay từ bây giờ,  phải chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ doanh nghiệp đối phó kịch bản xấu nhất khi xẩy ra khủng hoảng kinh tế. Chính sách tài khoá ngược để hỗ trợ doanh nghiệp là giải pháp lựa chọn phù hợp trong bối cảnh này”, ông Cường

Tỏ rõ sự đồng tình với mục tiêu thu ngân sách năm 2023 không đặt ra quá cao so với thực hiện năm 2022 để có dư địa thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, song ông  Cường băn khoăn với chỉ tiêu kế hoạch bội chi cân đối ngân sách năm 2023 chỉ ở mức 2,89% thấp hơn mức 3,75% năm của năm 2022 là khó khả thi và sẽ thu hẹp các chính sách tài khoá.

Kiểm soát bội chi thấp là mục tiêu dài hạn, nhưng trong bối cảnh cần sử dụng chính sách tài khóa ngược thì việc chấp nhận tăng bội chi để có nguồn lực cho phát triển là giải pháp cần tính đến, ông Cường đề nghị.

Phân tích tiếp theo của đại biểu Cường là trong bối cảnh khủng hoàng kinh tế, đầu tư phải hướng trực tiếp vào các khu vực sản xuất cuối cùng. Do vậy, nên tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang, hạn chế khởi công mới. Dành một phần vốn đầu tư công để đặt hàng, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh phát triển một số ngành làm trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

“Khủng hoảng kinh tế sẽ đặc biệt khó khăn đối với những doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp nặng, sản xuất máy móc thiết bị, nhưng lại là cơ hội đối với người có tiền muốn thôn tính tái cấu trúc lại các doanh nghiệp này. Trên thế giới, các cường quốc kinh tế đều phải dựa trên trụ cột là các tập đoàn kinh tế mạnh. Trong khó khăn của khủng hoảng, nhiều tập đoàn kinh tế lớn ra đời nhờ đặt hàng của chính phủ.

Tôi kỳ vọng giải pháp đặt hàng không chỉ giúp nền kinh tế nước ta vượt qua khó khăn, mà còn cho ra đời thêm các tập đoàn kinh tế mạnh tạo thành trụ cột của nền kinh tế, chính là con đường thực hiện công nghiệp hoá – hiện đại hoá và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tự cường”, ông Cường phát biểu.

Cũng liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu Tô Ái Vang, trong phát biểu sáng cùng ngày đặt câu hỏi vì sao kinh tế phục hồi, song cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo đại biểu thì có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân hiện nay hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu dựa vào 2 nguồn vốn chủ yếu: Thứ nhất là nguồn vốn bên trong doanh nghiệp chiếm tỷ lệ khoảng 20-30%. Thứ hai là 70% đến 80% vốn còn lại từ nguồn vốn vay bên ngoài, trong khi tiềm lực các ngân hàng Việt Nam còn hạn chế. Để bảo đảm có nguồn vốn cho vay trung và dài hạn thì các ngân hàng buộc phải đi vay các nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Điều này chứa đựng nhiều nguy cơ rất lớn cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế, về phía doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao cùng với chi phí vốn cao dẫn đến sinh lời thấp. Mặt khác, việc phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay của ngân hàng cho nên ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của doanh nghiệp trong trường hợp nguồn vay bị hạn chế hoặc bị gián đoạn.

Vì thế, đại biểu kiến nghị với Chính phủ rà soát và xây dựng lại các giải pháp nhằm tác động mạnh mẽ hơn để giúp các doanh nghiệp đủ sức vực dậy trong sản xuất, kinh doanh, thể hiện quan điểm cơ chế rõ ràng, thiết thực đối với những chính sách đã ban hành nhưng thời gian qua triển triển khai còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Kiến nghị tiếp theo đại biểu nêu là hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh bằng cách tiếp tục thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế, gia hạn thuế, phí, lệ phí, các chính sách cơ cấu lại nợ, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, tiếp tục cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Cùng với đó là tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động của các ngân hàng thương mại để có dư địa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên; có chính sách hỗ trợ phù hợp cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, như sản xuất và chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, dịch vụ vận tải, du lịch; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển khu công nghiệp…