Chưa công nhận, nhưng thực tiễn vẫn có giao dịch tiền ảo

“Tôi rất sốt ruột, ta chưa công nhận tiền ảo, nhưng trên thực tế vẫn giao dịch, phải nghiên cứu cách xử lý thế nào cho phù hợp”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ quan điểm khi tham gia thảo luận tại Tổ 13 về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

,
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại Tổ 13, chiều 24/10

Thủ tướng cho biết, khi thảo luận ở Chính phủ cũng có 2 loại ý kiến, theo nghĩa là có hay không đưa tiền ảo, tài sản ảo vào nội dung của luật này. Song, ý kiến thống nhất là chưa đưa vào, vì chưa công nhận tài sản ảo, chưa có khung pháp lý điều chỉnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng rất mạnh nhiều lần, thực tế đang diễn ra là có giao dịch tiền ảo, dù có quy định hay không.

“Phải nghiên cứu chế tài xử lý phù hợp và nên giao Chính phủ quy định”, Thủ tướng tham gia ý kiến trong phiên thảo luật ở Tổ chiều 24/10.

Cũng đề cập tới thực tế này, đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) cho rằng, dù Việt Nam chưa công nhận giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, nhưng thực tế các giao dịch qua các loại tiền này đang tồn tại, nếu không quan tâm vấn đề này ở Dự luật lần này thì sẽ là kẽ hở của rửa tiền

“Đề nghị nên nghiên cứu, bổ sung”, đại biểu Vận tham gia góp ý.

Trong Tờ trình của Chính phủ được Thống đốc Ngân hàng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội trong ngày đầu tiên của kỳ họp này có nhắc tới việc cơ quan chủ trì soạn có đề xuất bổ sung đối tượng báo cáo mới nhưng chưa có khung pháp lý điều chỉnh là: tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và cho vay dựa trên nền tảng công nghệ…

Tuy nhiên, sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đánh giá tính khả thi, đồng thời để đảm bảo quy định tại Luật có tính bao quát được các hoạt động phát sinh trong tương lai, dự thảo Luật được điều chỉnh lại theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo ngoài các hoạt động cụ thể được quy định tại Luật.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự thảo Luật quy định Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Giao dịch đáng ngờ vẫn gây lo lắng

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM cũng không giấu sự lo lắng khi tham gia các ý kiến vào dự thảo Luật Phòng, Chống rửa tiền (sửa đổi).

“Chúng ta biết chúng ta phải tuân thủ các công ước quốc tế, nhưng điều kiện của chúng ta hiện nay, kể cả điều kiện về kinh tế – xã hội, đặc biệt điều kiện về quản lý tài chính ngân hàng… , điều kiện về công nghệ, như tiền ảo, tiền kỹ thuật số…. chưa bằng các nước, nên thú thực rất lo”, ông Nghĩa chia sẻ tâm tư khi luật này có trong danh sách sẽ thông qua trong kỳ họp này.

Lo lắng của đại biểu Nghĩa còn ở chỗ, nếu ghi vào luật những thuật ngữ dịch thuật từ ngôn ngữ nước ngoài, sẽ rất khó cho người thực thi, kể cả người dân hay doanh nghiệp.

“Thế nào là đáng ngờ, nghĩa từ này rộng lắm. Nếu tuần trước tôi gửi 5 tỷ đồng vào ngân hàng, tuần này tôi rút thì có là đáng ngờ không. Cha mẹ gửi tiền ra nước ngoài cho con cái thì có là đáng ngờ không… Chữ “đáng ngờ” này dịch từ tiếng nước ngoài, nhưng ngay cả từ ngữ dịch thuật cũng cần thận trọng”, ông Nghĩa lý giải.

Có điểm khác biệt trong các cơ sở để xác định hành đáng ngờ giữa Việt Nam và nhiều nước, đó là thói quen dùng tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn lớn, nên mua bán bằng tiền mặt vẫn là bình thường. Trong khi đó, ở nhiều nước, tiêu bằng tiền mặt vài trăm đô la cũng có thể là hành vi bất thường.

“Tôi nghĩ nên thận trọng, đề nghị thảo luận thêm”, đại biểu Nghĩa bày tỏ quan điểm.

Khi thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy định về báo cáo giao dịch đáng ngờ là cần thiết và đáp ứng khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF).

Ủy ban Kinh tế thống nhất việc quy định các dấu hiệu đáng ngờ bao gồm dấu hiệu đáng ngờ cơ bản và dấu hiệu đáng ngờ theo các lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cần nghiên cứu bao quát cả các lĩnh vực khác thuộc đối tượng báo cáo nhưng chưa được quy định các dấu hiệu đáng ngờ cụ thể (như lĩnh vực luật sư, công chứng, kế toán, kiểm toán, kinh doanh kim loại quý, đá quý…).

Mặt khác, khối lượng báo cáo là tương đối lớn trong khi quy định các dấu hiệu đáng ngờ phần lớn vẫn là những dấu hiệu định tính, chưa thật sự rõ ràng và rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ, ví dụ như: một số dấu hiệu “tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường”; “Khách hàng yêu cầu thay đổi người thụ hưởng đã chỉ định bằng người không có mối quan hệ rõ ràng với bên mua bảo hiểm”; “Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn”… Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh bảo đảm hợp lý và khả thi.

Đại biểu Lê Minh Trí (TP.HCM) chia sẻ suy nghĩ về sự không rõ ràng của từ đáng ngờ, nhưng ở một góc độ khác.

“Theo tôi, có thể dùng từ nào đó nhẹ nhàng hơn để thay thế, vì đó là từ để chỉ cấp độ quản lý”, đại biểu Trí chia sẻ.

Đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) đề nghị thêm giao dịch bất động sản, trách nhiệm Bộ Tài nguyên và Môi trường, vì việc rửa tiền không chỉ lưu thông qua tiền tệ, vàng bạc, các loại tiền khác trong hệ thống ngân hàng mà còn thông qua hoạt động mua bán, chuyển nhượng bất động sản.
“Tuy nhiên, trong dự thảo luật chỉ quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Tôi cho rằng chưa đủ. Đề nghị bổ sung trách nhiệm Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan trực thuộc để nâng cao trách nhiệm cũng như phối hợp trong phòng, chống rửa tiền ngày càng chặt chẽ hơn”.