Thưa ông, trong cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia sáng 25/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt bài toán khó, đó là “có loại vaccine nào cho nền kinh tế Việt Nam để ứng phó căn bệnh sụt giảm kinh tế, để có thể đạt mục tiêu kép, là vừa chống dịch COVID-19, vừa giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế?”. Ông nghĩ thế nào về loại vaccine này?

Dịch cúm Covid-19 đang diễn biến và có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng và sức khỏe nền kinh tế.

Dường như ở Việt Nam, tác động của Covid-19 đối với sức khỏe cộng đồng đã bước đầu được kiểm soát, nhưng dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, Nhật Bản, và vừa bùng phát ở Hàn Quốc – những đối tác kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân hàng đầu của Việt nam, nên nỗ lực phòng chống dịch bệnh không thể chủ quan.

Xét trên lĩnh vực kinh tế, kiểm soát dịch bệnh đã khó, nhưng giúp doanh nghiệp trụ vững, phục hồi và lấy lại được đà sản xuất kinh doanh cũng khó khăn không kém. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất khó khăn để cầm cự và duy trì sản xuất.

Nguyên nhân thì đã rõ. Con virus của căn bệnh kinh tế này mang tên “phụ thuộc” – tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và các nền kinh tế ở Đông Bắc Á ở cả đầu ra lẫn đầu vào của nhiều ngành kinh tế và các chuỗi giá trị toàn cầu.

Vẫn biết rằng trong thế giới này, chẳng có doanh nghiệp nào, quốc gia nào có thể tự mình làm từ A đến Z, nhưng riêng khách du lịch Trung Quốc chiếm tới 30% tổng lượng khách nước ngoài tới Việt Nam, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 35% kim ngạch suất khẩu nông sản của Việt Nam, linh kiện phụ tùng cho các ngành dệt may, da giày, túi xách, điện tử… nhập từ Trung Quốc chiếm tới 50-60% tổng giá trị đầu vào cho sản xuất thì khó có thể yên ổn được.

Lúc này, giải pháp về dài hạn là phải rất coi trọng thị trường trong nước, đồng thời đa dạng hóa thị trường quốc tế, định hình lại các chuỗi giá trị thông qua tái cấu trúc nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào bất kỳ thị trường nào.

Chúng ta ngộ ra rằng, muốn vươn ra thị trường thế giới thì phải đứng vững trên thị trường nội địa. 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu bùng nổ, với một nền kinh tế đang lên, thị trường trong nước phải là điểm tựa, là tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển quốc gia.

Những diễn biến hiện nay cho thấy thị trường thế giới ngày càng trở nên bất định, khó lường . Và không ai có thể bảo đảm rằng trong tương lai không chỉ Hoa Kỳ, Trung Quốc mà ngay cả Nhật Bản, Hàn Quốc.. khi gặp khó khăn sẽ không tìm cách quay trở lại bảo vệ thị trường nội địa của chính mình .

Chúng ta không thể không tính tới điều này trong một chiến lược bài bản hơn, thực chất và hiệu quả hơn cho phát triển thị trường trong nước ngay từ lúc này. Các cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam“ cần có thêm  xung lực mới…

Nhưng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, thị trường nội địa thực sự mang nghĩa tương đối, thưa ông?

Phải thẳng thắn là chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam là một khâu đang trở nên mong manh và dễ bị tổn thương. Với tình trạng này thì khi doanh nghiệp Trung Quốc “hắt hơi”, doanh nghiệp Việt Nam không “sổ mũi” thì mới là chuyện lạ và tác động của virus Covid-19 chỉ là một ví dụ.

Doanh nghiệp đang cố gắng xoay sở tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu thay thế nhập từ các thị trường ngoài khu vực, nhưng không dễ vì khó tìm được chủng loại phù hợp và nếu có tìm được thì giá cả lại cao ngất ngưởng cộng với chi phí vận tải cao thì ngay cả các nghiệp lớn cũng khó mà chịu được.

Trong bối cảnh này, điều phải bàn là các cơ chế, chính sách phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết, tận dụng tối đa các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng các kênh cung ứng và đa dạng hoá thị trường.

Trong cái rủi có cái may, việc dịch chuyển của các chuỗi giá trị toàn cầu và dòng chảy thương mại, đầu tư để đối phó với cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và quá trình thực thi CPTPP và tới đây là EVFTA đang khơi dậy những động lực và mở ra những không gian mới cho việc đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy tăng tỷ lệ nội địa hóa và nguồn cung ứng từ các thị trường tiềm năng ngoài Trung Quốc và Đông Bắc Á để giảm tình trạng phụ thuộc.

Hay như nhiều chuyên gia kinh tế vẫn nói là Việt Nam có cơ hội trở thành công xưởng sản xuất của thế giới vào thời điểm này?

Đúng vậy, nhưng phải nỗ lực cải cách thể chế mạnh mẽ để Việt Nam có thể trở thành công xưởng sản xuất của thế giới. Cụ thể là  xây dựng và điều hành chính sách công nghiệp quốc gia, tập trung vào những ngành, những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước, đẩy mạnh cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, thực sự đặt doanh nghiệp nhà nước trước áp lực của thị trường.

Đặc biệt, việc lựa chọn thế hệ các nhà đầu tư FDI có khả năng tích hợp và liên kết với cộng đồng doanh nghiệp nội địa là yêu cầu cấp bách, để công xưởng ở Việt Nam không chỉ có vai trò của doanh nghiệp Việt Nam mà còn có cả vai trò thúc đẩy và dẫn dắt của các thương hiệu và chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam chỉ là một mắt xích.

Tất nhiên, để thu hút được các thương hiệu lớn, thương hiệu toàn cầu, cần phải xây dựng được một nền hành chính minh bạch, một môi trường kinh doanh thân thiện và cạnh tranh công bằng.

Chỉ có nền tảng thể chế như vậy mới là bệ đỡ nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.

Những điều này, chúng ta đã nói mãi, nói nhiều, nhưng kết quả thực hiện còn khiêm tốn?

Vẫn phải nỗ lực đột phá hơn trong hành động. Mục tiêu trở thành 3-4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh hàng đầu ASEAN theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế Thế giới phải trở thành mệnh lệnh, là thước đo thành quả (KPI) của những nỗ lực cải cách trong những năm tới.

Tuy nhiên, vẫn phải nói đến các giải pháp ngắn hạn khi doanh nghiệp thực sự đang gặp khó khăn?

Biện pháp cấp bách trong ngắn hạn thực ra cũng chính là các công việc phải làm ngay trong kế hoạch dài hạn. Hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, giải quyết thủ tục hành chính cũng phải khẩn trương, quyết liệt như chống dịch.

Đồng thời phải cố gắng giảm được chi phí cho doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Chúng tôi đề nghị thành lập Tổ công tác của Chính phủ trợ giúp doanh nghiệp đối phó với dịch cúm Covid-19. Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các giải pháp và đôn đốc kiểm tra, phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ ngành địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp…

12 nhóm giải pháp VCCI khuyến nghị để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động:

1. Tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
2. Tập trung đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh ở tất cả mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực, quyết không để tình trạng có tiền mà không tiêu được và dự án triển khai chậm trễ chỉ vì thủ tục.
3. Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cơ bản. Các ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay,mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị tác động mạnh từ dịch cúm như du lịch, dịch vụ, xuất khẩu nông sản, vận tải, dệt may, giày dép,…Tập trung ưu tiên các ngành và lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, các doanh nghiệp có tiềm năng.
4. Giãn, hoãn và trình ra Quốc hội kỳ họp giữa năm đề xuất miễn , giảm có thời hạn các khoản thuế và phí phải nộp của doanh nghiệp ở những ngành lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng.
5. Giãn tiến độ nộp ,giảm tiền thuê đất và mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch cúm.
6. Tạm thời không thu một số loại phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính. Chưa tăng các loại giá các dịch vụ và giá vật tư đầu vào cho sản xuất kinh doanh do nhà nước quản lý. Chưa thu phí C/O từ hoạt động xuất nhập khẩu. Mở rộng diện miễn visa cho các quốc gia và vùng lãnh thổ , miễn visa du lịch, kéo dài thời hạn visa, giảm lệ phí visa,… để khuyến khích luồng khách du lịch phục hồi.
7. Giãn, hoãn và giảm các khoản đóng góp Quỹ BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế từ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Cơ quan BHXH nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp chi trả tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc do bất khả kháng từ dịch bệnh Covid-19.
8. Khuyến khích các doanh nghiệp cung ứng không tăng giá dịch vụ, giá cước vận tải, giá vật tư trong thời gian tới và cố gắng giảm giá,cước phí cho doanh nghiệp
9. Thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, tăng cường kết nối phát triển thị trường nội bộ giữa các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm quản lý
10. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đa dạng thị trường, khai thác tận dụng các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA, CPTPP,…
11.Tiết giảm hội họp, giảm lễ hội, giảm đi lại, giảm các hoạt động phô trương, giảm chi phí.
12. Phát động một đợt sóng cải cách mới trong thể chế kinh tế mang tên “Chương trình nghị sự 25-20” cho năm 2020 với nội dung trọng tâm là tập trung xử lý dứt điểm 25 điểm chồng chéo trong pháp luật kinh doanh và đầu tư, tiếp tục cắt giảm đơn giản hóa ít nhất 20% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành.