.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bê mạc Diễn đàn.

Với thông điệp nhất quán về kiên định ổn định vĩ mô, bên cạnh giới hạn tổng mức tín dụng còn cần chú trọng về cơ cấu và chất lượng tín dụng, tính toán cơ cấu tín dụng để đưa vốn vào nền kinh tế thực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh thông điệp trên trong phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2022, chiều muộn 18/9.

Ông Vương Đình Huệ cho biết, Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh hơn 450 đại biểu tham dự trực tiếp, Diễn đàn còn được kết nối 6 học viện và trường đại học. Riêng phiên làm việc buổi sáng đã thu hút hơn 1 triệu view tương tác liên quan đến Diễn đàn.

Diễn đàn ghi nhận nhiều ý kiến nhưng đánh giá tình hình thế giới và Việt Nam thống nhất rất cao. Theo đó, hậu quả nặng nề cả về kinh tế – xã hội của đại dịch Covid-19 cơ bản kiểm soát và mở cửa trở lại trên đà phục hồi, nhưng cũng phát sinh những tình huống mới, vẫn có nguy cơ dịch chồng dịch, Chủ tịch Quốc hội nói.

Lãnh đạo Quốc hội nói thêm về bối cảnh, đầu năm 2022 xung đột địa chính trị làm trầm trọng thêm những khó khăn, thế giới phải đương đầu về đứt gãy chuỗi cung ứng làm giá năng lương và lương thực tăng cao. Yếu tố đình đốn và lạm phát tăng cao. Tăng trưởng năm 2022 giảm một nửa so với năm 2021, còn lạm phát tăng gấp đôi, nhất là tại các nền kinh tế lớn, trong số đó có nhiều đối tác lớn của Việt Nam.

Ngược dòng thế giới, Việt Nam đạt tăng trưởng cao, lạm phát thấp, dự báo tăng trưởng trên 7%, lạm phát có thể kiểm soát ở mức dưới 4%. Dù Việt Nam có độ mở lớn với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 2 lần GDP, Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Điểm lại một số vấn đề cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề cập nhiều ý kiến cho rằng, lạm phát cao của thế giới là do đứt gãy nguồn cung mà không phải do chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, tùy từng giai đoạn nguyên nhân của lạm phát có lúc do yếu tố đứt gãy nguồn cung, có lúc có yếu tố tiền tệ và có lúc có sự tác động cả hai yếu tố. Do đó, để có thể thực hiện kiên định chính sách đang thực thi trong chính sách tài khóa, mở rộng dư địa, kiên định chính sách tiền tệ chặt chẽ song vẫn có sự linh động, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phải đánh giá được nguyên nhân, thực trạng.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan liên quan lưu ý để nghiên cứu phân tích đối với nhận định cho rằng dự toán thu ngân sách quá thận trọng khiến cho Việt Nam tự thu hẹp không gian của chính sách tài khóa.

Về chính sách tiền tệ, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, với thông điệp nhất quán về kiên định ổn định vĩ mô, thì bên cạnh việc tiếp tục tính tổng mức tín dụng còn cần chú trọng về cơ cấu và chất lượng tín dụng, tính toán cơ cấu tín dụng để đưa vốn vào khu vực kinh tế thực.

Đồng thời các ngân hàng cần tăng cường doanh thu dịch vụ gia tăng phi tín dụng, tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng…

Nhắc đến các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ, bất động sản… Chủ tịch Quốc hội nêu rõ các loại thị trường đều là mạch máu của nền kinh tế. Do đó cần bảo đảm lưu thông lành mạnh bền vững, tiếp tục hoàn thiện thể chế khơi thông nguồn lực, khắc phục khiếm khuyết và tạo điều kiện phát triển các loại thị trường, thông suốt thị trường trong nước và kết nối với quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, một trong những kết quả đạt được tại Diễn đàn là các ý kiến đều thống nhất rằng: ngoài tập trung các mục tiêu trước mắt nhưng không quên mục tiêu dài hạn là tái cơ cấu nền kinh tế, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 10 năm như định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật trong đó có thể chế, chính sách về đất đai. Cùng với đó là vấn đề quy hoạch và liên kết phát triển vùng và khu vực, tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…là những vấn đề được quan tâm đặt ra tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội điểm lại.

Trước đó, trong phiên toạ đàm buổi chiều, ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, điều hành chính sách tiền tệ nói chung phải giải bài toán tổng thể với nhiều yếu tố: mục tiêu quan trọng nhất là góp phần kiểm soát lạm phát, an toàn cho các ngân hàng thương mại, thanh khoản cho các thị trường tiền tệ, ngoại hối. Các biến số như lãi suất, tỷ giá… đều được đưa vào trong bài toán điều hành tổng thể này.

Thực tế điều hành năm 2022, theo ông Hà, tình hình thế giới biến động khó lường, phức tạp ngoài dự đoán, chưa có tiền lệ. Do vậy, các biến số này khiến rủi ro cho các nền kinh tế, hệ thống tài chính ngân hàng rất lớn. 

Để chống lạm phát khiến các ngân hàng Trung ương phải tăng nhanh, mạnh lãi suất, dẫn tới nguy cơ đình đốn – suy thoái.

Bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước gặp nhiều khó khăn trong điều hành, thực tế 8 tháng đã sử dụng nhiều biện pháp ổn định thị trường tiền tệ, lãi suất, cố gắng không bị cuốn theo vòng xoáy mất giá nội tệ như nhiều nước, cố gắng giữ giá trị ổn định tương đối của tiền đồng.

Cho rằng, con số lạm phát hiện nay tạm yên tâm song ông Hà cũng nhận định áp lực lạm phát lớn, không thể chủ quan trong điều hành.

Về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, ông Hà cho rằng, dù đây là biện pháp hành chính nhưng thể hiện hiệu quả trong ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát. Trước năm 2011, tăng trưởng tín dụng rất cao, trên 30%; nhưng 10 năm trở lại đây Ngân hàng Nhà nước cố gắng điều hành 12-14%, góp phần ổn định vĩ mô 10 năm qua.

Cách đây hai hôm khi làm việc với các ngân hàng thương mại đều nhận thấy chưa thể bỏ được hạn mức tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn, ông Hà thông tin.