Đây là ý kiến của đại diện HUBA chia sẻ tại Toạ đàm trực tuyến Khôi phục và phát triển kinh tế Tp.HCM năm 2020 được tổ chức sáng nay, 5/5.

Cũng theo ông Chu Tiến Dũng, các chính sách và gói hỗ trợ doanh nghiệp cần phân chia ra làm 2 loại như gói chính sách giải cứu, cứu trợ cần tức thì, không nên phân biệt về điều kiện vì đây là gói cấp cứu. 

Gói cấp cứu gồm gói tài khóa, giãn thời gian nộp thuế, giảm phí theo Nghị định 41 của Chính phủ, hay gói hỗ trợ người lao động nghèo, mất việc, cho doanh nghiệp vay tiền từ ngân hàng chính sách xã hội không lãi suất để trả lương cho người lao động.

Hai, gói chính sách đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy sản xuất thì ngân hàng cần sớm thẩm định trả lời cho doanh nghiệp được vay hay không với các điều kiện đảm bảo an toàn cho vay, khả năng trả nợ. 

Trên cơ sở đó đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi công nghệ,…

“Nói chung, các chính sách hỗ trợ cho vay cần phù hợp với từng đối tượng doanh nghiệp theo ngành nghề kinh doanh, quy mô sản xuất của doanh nghiệp, không nên đánh đồng các loại hình doanh nghiệp, các ngành nghề”, ông Chu Tiến Dũng nói.

Còn với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ rất cần có sự bảo trợ, bảo lãnh vay vốn từ quỹ bảo lãnh tín dụng của Nhà nước.

Đại diện HUBA cũng cho rằng, cần hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết nội địa, chuyển đổi nguồn cung cấp nguyên liệu.

Cùng với đó, phải chú trọng chuẩn bị cơ sở hạ tầng giúp đẩy nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng cũng như chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước khác sang Việt Nam do dịch COVID-19.

Phía ngân hàng cần ưu tiên cho vay đủ vốn và tạo thuận lợi cung cấp vốn cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, sản phẩm, thị trường.

Theo Báo cáo khảo sát các doanh nghiệp hội viên HUBA hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh trọng điểm của thành phố như cơ khí, điện, cao su, nhựa, công nghiệp hỗ trợ, đồ gỗ, dệt may, da giày… không phân biệt quy mô đều trong tình trạng đã cạn kiệt các nguồn lực kinh doanh.

Dự báo sang quý II/2020 sẽ suy giảm nghiêm trọng, số lượng doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, phá sản nguy cơ tăng cao.

Số liệu từ các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho thấy:

  • 21% trả lời tiếp tục cầm cự được đến hết tháng 05/2020.
  • 12% nói sẽ tiếp tục duy trì đến hết tháng 06/2020.
  • 12% cho biết có khả năng duy trì đến hết tháng 09/2020.
  • 2% doanh nghiệp duy trì được đến cuối năm.
  • 19% sẽ phá sản trong quý II/2020.
  • 34%  không xác định được tồn tại đến khi nào.