Nước Anh chống dịch tài tử?

Trường đại học Bristol nơi tôi làm việc vừa có ca nhiễm virus COVID-19 đầu tiên. Tuy nhiên, trái với mong đợi của nhiều sinh viên và nhân viên trường, trường vẫn mở cửa bình thường, việc học và dạy vẫn diễn ra mà không có thay đổi gì. Sinh viên vẫn phải đi học. Nếu sinh viên quốc tế vắng mặt quá một số buổi trong các lớp học nhỏ (gọi là tutorials), trường bắt buộc phải báo cáo lên Sở Thị thực và Di trú Anh (UKVI).

Một đồng nghiệp của tôi rất tức giận sau khi đọc email nội bộ về phản ứng của trường sau khi biết có một ca nhiễm bệnh. Anh viết email gửi tôi: “Trường đáng ra phải áp dụng những biện pháp mà Trường Kinh tế London (LSE – London School of Economics) vừa tuyên bố là áp dụng giảng dạy trực tuyến và cả chấm thi trực tuyến. Sau LSE, đại học King’s College London, đại học Durham cũng đã “lên online”. “Bristol đã đầu tư nguồn lực và sẵn sàng để đưa mọi thứ lên online, nhưng đến khi gặp chuyện thì lại phản ứng quá chậm”, đồng nghiệp tôi than thở.

Anh còn nói: “Ít nhất họ cũng nên bảo mọi người phải mang khẩu trang, thế nhưng, cả chính phủ lẫn trường mình đều không khuyến khích vậy. Rất đáng thất vọng”. Nhiều sinh viên cũng gửi email cho tôi thể hiện quan điểm lo lắng khi đến lớp và cũng tỏ ra thất vọng, thậm chí tức giận vì cảm thấy trường và Chính phủ Anh quá thờ ơ với sức khỏe và sinh mạng của sinh viên.

Điều đáng ngạc nhiên là một người quen của tôi cho biết, trường học của con anh đến đầu tuần này vẫn tiếp tục giữ nguyên kế hoạch cho học sinh đi Ý trượt tuyết và đến Disneyland Paris. Với diễn tiến dịch bệnh, anh quá sợ hãi muốn rút ra khỏi kế hoạch thì được biết không thể lấy lại tiền nếu hủy tham gia vì tiền đã nộp cho công ty lữ hành. Tổng chi phí anh nộp là gần 1.000 bảng Anh, một số tiền không nhỏ với anh.

Tôi tìm đọc thì phát hiện ra là anh không phải trường hợp duy nhất. Rất nhiều phụ huynh ở Anh và Bắc Ireland đều trong tình trạng như anh, và các chuyến đi này dự kiến diễn ra vào khoảng tuần lễ cuối cùng của tháng 3. Nếu phụ huynh rút lui thì sẽ không được trả lại tiền. Rất may cho anh bạn tôi là hôm thứ Tư (11/3), trường đã tuyên bố hủy chuyến đi vì “lo lắng cho sức khỏe cho học sinh và nhân viên” và sẽ làm việc với phía công ty lữ hành về chuyện hoàn tiền.

Một đồng nghiệp của tôi kể chuyện ở trường cô ấy có sinh viên lo lắng mình bị nhiễm COVID-19 vì có triệu chứng ho nhẹ. Sinh viên gọi điện thoại lên số khẩn cấp 111 của Sở Y Tế Quốc gia (NHS – National Health Service) và thông báo như vậy. Nhưng NHS không hề tư vấn sinh viên cần cách ly gì, và càng tất nhiên là không cho xe cấp cứu đến nhà hay yêu cầu sinh viên cô đi kiểm tra virus COVID-19 như bạn đó tưởng. Bạn sinh viên đó cảm thấy rất là thất vọng và rơi vào hoảng loạn trong tình huống không được đến gặp bác sĩ (NHS đã thông báo những ca có triệu chứng COVID-19 sẽ không được trực tiếp đến phòng khám mà nên gọi NHS 111 nhờ tư vấn). Cứ thử nghĩ bạn nghi ngờ mình nhiễm virus nhưng không được cho gặp bác sĩ, cũng không bị yêu cầu cách ly, càng không được cho thuốc gì, bạn sẽ cảm thấy thế nào?

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock (giữa) có mặt tại Văn phòng Nội các Anh ở London ngày 9/3/2020 trước thời điểm diễn ra cuộc họp khẩn khấp của Nội các Anh về tình hình dịch COVID-19 tại Anh

Đó là chuyện xảy ra vào đầu tháng 3. Đến ngày 10/3, thủ tướng Anh mới tuyên bố “nước Anh đang chuẩn bị yêu cầu những người có triệu chứng bệnh nhẹ cũng ở nhà”. Triệu chứng nhẹ ở đây là triệu chứng đường hô hấp nhẹ và sốt. Thế là, NHS 111 làm đúng quy trình rồi, vì đầu tháng 3 thì thủ tướng đã có yêu cầu cách ly triệu chứng bệnh nhẹ đâu.

Điều đáng ngạc nhiên hơn là nhiều giải thể thao vẫn diễn tiến bình thường, mà điển hình là trận Liverpool – Atletico Madrid chứng kiến mấy ngàn cổ động viên Tây Ban Nha đến từ điểm nóng dịch bệnh ở Madrid tuần hành, hò hét trên đường phố Anh. Sau khi tin này được báo chí Anh đăng tải, nhiều nghị sĩ và người dân Anh đã vào thể hiện lo lắng và chỉ trích chính phủ. Một bình luận mà tôi đọc được: “Điều này thật là ngu ngốc!”.

Có người nói Anh chống dịch quá “tài tử” kiểu như vậy nên mới ra nông nổi như bây giờ. Đến lúc tôi viết bài này, theo số liệu từ Chính phủ Anh, có 590 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có bà Nadine Dorries, Thứ trưởng Bộ Y tế Anh.

Sự thật có phải vậy không?

Tôi có ngồi một vài hội đồng sau đại học của trường để quyết định những vấn đề hành chính. Nhờ đó tôi buộc phải tiếp xúc với một số văn bản và quan điểm về chính sách y tế phòng dịch gửi xuống hướng dẫn cho trường đại học. Ngoài ra, tôi tiếp xúc với một số đồng nghiệp từng tư vấn cho các bệnh viện của NHS về quản lý chi phí nên tôi có dịp hiểu thêm về tình hình tài chính của các bệnh viện ở Anh.

Tổng hợp những thông tin đó lại, tôi có thể nhìn thấy một bức tranh chống dịch của Anh như sau. Đầu tiên, hệ thống y tế Anh, mà xương sống là hệ thống bệnh viện công của NHS đang ở trạng thái thường xuyên quá tải. Giai đoạn hiện tại là đỉnh điểm của các ca bệnh hàng năm do thời tiết lạnh, nhiều người già phải nhập viện hoặc cần chăm sóc y tế thường xuyên.

Trong khi đó, do chính sách thắt lưng buộc bụng để cân bằng ngân sách của chính phủ trong suốt một thập niên, NHS luôn ở trạng thái thiếu tiền và nguồn lực. Nhiều nhân viên y tế quyết định về hưu sớm do những thay đổi trong chính sách lương hưu gần đây vì họ sẽ có lợi hơn. NHS vì vậy phải dựa vào lực lượng y tế đến từ châu Âu để trám vào nguồn lực. Thế rồi đùng một cái, Brexit diễn ra. Nhiều người châu Âu bỏ về nước, bao gồm cả y tá và bác sĩ.

Những cú sốc có tính thời điểm đó diễn ra cùng lúc tạo ra gánh nặng lên hệ thống y tế. Tiền rõ ràng là một vấn đề, nhưng nhân lực cũng là một vấn đề khác. Trong bối cảnh ở trạng thái gần quá tải như vậy, NHS không có nguồn lực (tiền và người) để cách ly tập trung như ở Việt Nam, hay thậm chí tiến hành kiểm tra người bệnh có bị nhiễm COVID-19 ở qui mô lớn. Đến trước tuần này, NHS chỉ có thể tiến hành tối đa 1.500 kiểm tra một ngày.

Một người đi đường ngang qua chốt của Cơ quan y tế quốc gia Anh (NHS) 111 bên ngoài Bệnh viện Đại học College tại London ngày 5/3/2020. Chốt này được thiết kế cho những người cho rằng họ bị nhiễm COVID-19 đến để thông báo với bác sĩ.
Một người đi đường ngang qua chốt của Cơ quan y tế quốc gia Anh (NHS) 111 bên ngoài Bệnh viện Đại học College tại London ngày 5/3/2020. Chốt này được thiết kế cho những người cho rằng họ bị nhiễm COVID-19 đến để thông báo với bác sĩ.

Chỉ từ ngày 12/3, sau khi Bộ trưởng Tài chính Anh đưa ra ngân sách mới, tăng vay nợ mạnh, và hứa “NHS muốn bao nhiêu tiền cũng có”, thì NHS mới tuyên bố từ này có thể tăng khả năng kiểm tra lên 10.000 ca một ngày. Cùng thời điểm đó, “nước Anh đang chuẩn bị yêu cầu những người có triệu chứng bệnh nhẹ cũng ở nhà”. Sau đó, đến tối ngày 13/3 thì tin tức nước Anh chuyển quy trình chống dịch sang giai đoạn 2 “trì hoãn” được công bố. Với quy trình mới này, nhiều giải đấu thể thao và sự kiện đông người sẽ có thể bị hủy. Trường học cũng có thể được yêu cầu đóng cửa.

Dựa vào những quan sát trên, tôi hiểu hệ thống y tế của nước Anh không thờ ơ với dịch bệnh và sinh mạng con người, cũng không “tài tử” như người ta nghĩ. Họ tính toán kỹ lưỡng. Họ chỉ phản ứng chậm, vì nguồn lực hiện tại của họ chỉ có thế.

Bài toán kinh tế và cái giá của sinh mạng

Có người bạn tôi nói, vậy thì Chính phủ Anh tính toán rất khôn, đợi khi gần hết học kỳ xuân, sắp nghỉ lễ Phục Sinh thì mới cho nghỉ học để không phải nghỉ quá nhiều. Và chính phủ cũng chờ đến dịp công bố ngân sách mới để xin Quốc hội cho phép vay thêm nợ thì mới nâng cấp chống dịch. Nói chung, người Anh đang xem nhẹ sinh mạng. Họ chỉ quan tâm đến khi nào có tiền, đến kinh tế không sụp đổ. Sinh mạng bị coi nhẹ. Họ quan tâm bài toán sinh kế.

Phải vậy không?

Tôi xin kể một câu chuyện khác. Cách đây hơn một tuần, tôi có ngồi nói chuyện với một bạn chủ nhà hàng. Bạn cũng lo lắng về dịch, nhất là ở chỗ bạn có mấy người Ý làm việc, trong số đó còn có người đi làm công việc thứ hai ở một quán cà phê Ý buổi sáng. Anh cho biết có một bạn nhân viên người Ý báo anh là người đó vừa tiếp xúc với một cô bạn về từ phía bắc nước Ý, tâm dịch mấy ngàn người nhiễm bệnh của Ý. Anh rất lo lắng. Nhưng anh có nên đóng cửa nhà hàng của mình không?

Anh nói, anh không lo về sinh kế bản thân vì anh không vay nợ. Nhưng mấy chục con người trong quán sẽ sống ra sao? Nhiều người là sống từ tiền anh trả từng ngày cho việc đi rửa chén. Có người làm đầu bếp mà không đi làm là không có tiền nuôi vợ con, đóng tiền nhà. Nhưng quán của anh cũng là nơi nhiều người già lui tới. Anh cũng sợ nếu có gì không may, sẽ ảnh hưởng đến sinh mạng những bác đó, những người mà theo số liệu thống kê là rất dễ bị tổn thương nếu bị nhiễm COVID-19. Đến nay, những ca chết ở Anh do virus này toàn là người già.

Nếu là bạn chủ đó, bạn sẽ chọn giữa rủi ro sinh mạng của chừng chục bác già hay sinh kế của mấy chục con người (và lợi nhuận mấy nghìn bảng một ngày của mình)? Bạn tôi không vay nợ nên anh còn có lựa chọn, với những quán mà chủ vay nợ nặng tay thì đóng cửa là họ cũng khánh kiệt. Một bài toán rất khó.

Có thể trong mấy chục bác già đi ăn quán của bạn tôi thì sẽ chỉ có một bác nhiễm bệnh. Và có lẽ vì bác ấy chỉ là một đơn vị quá nhỏ trong hàng chục, hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn ca bệnh, người ta sẽ hi sinh bác ấy trong bài toán của mình. Vì bài toán ấy cũng liên quan đến sinh kế của hàng trăm con người liên quan trong cái tiệm của anh bạn tôi – vài chục nhân viên và gia đình của họ.

Tôi im lặng lắng nghe anh bạn mà nghĩ về một chuyện khác. Một đồng nghiệp Hàn Quốc của tôi cảnh báo mấy ngày trước đó là Hàn Quốc có thể rơi vào khủng hoảng nợ cá nhân với đợt dịch bệnh này vì người dân Hàn Quốc vay nợ tín dụng rất nhiều, mà cách ly, phong tỏa thì nhiều người sẽ không có việc làm. Vỡ nợ tín dụng cá nhân là rủi ro có thật.

Hàng hóa tại một siêu thị ở London trở nên thưa thớt trong ngày 13/3/2020, do người tiêu dùng ồ ạt đi gom hàng tích trữ vì lo ngại thiếu hàng hóa thời dịch bệnh
Hàng hóa tại một siêu thị ở London trở nên thưa thớt trong ngày 13/3/2020, do người tiêu dùng ồ ạt đi gom hàng tích trữ vì lo ngại thiếu hàng hóa thời dịch bệnh

Nhìn lại nước Anh, người ta sẽ hành xử ra sao nếu đứng trước cảnh báo bế quan tỏa cảng, cách ly diện rộng sẽ giết chết ngành dịch vụ của Anh? Trong cấu trúc kinh tế của Anh thì khu vực dịch vụ (bán lẻ, tài chính, luật, du lịch, giải trí, văn hóa, hỗ trợ kinh doanh) chiếm 81% GDP và 84% lao động.

Dịch vụ thì cần cái gì nhiều? Con người trực tiếp tiếp xúc với nhau. Nếu với vài trăm hay vài ngàn ca như ở Anh và Ý mà cách ly đủ hết những người từng tiếp xúc họ thì nền kinh tế có còn chịu đựng được? Mà chưa nói đến nền kinh tế, NHS chắc chắn không đủ nguồn lực để làm kiểm tra xem họ có mắc COVID-19 hay không nữa chứ chưa nói tới chữa bệnh

Tôi không dám nghĩ tiếp nữa.

Bài toán sinh kế và sinh mạng này quá khó.

Việt Nam nên đi con đường của mình

Có chuyên gia lo lắng: Việt Nam đang chống dịch rất tốt, điều đó không ai phủ nhận, nhưng nếu ở giai đoạn số ca bệnh cứ tăng như hiện nay, nguồn lực sẽ sớm cạn kiệt. Chẳng hạn, chuyên gia Vũ Tú Thành cho rằng, nếu Việt Nam giữ nguyên chiến lược chống dịch COVID-19 ở giai đoạn trước thì việc “vỡ trận” chỉ còn là vấn đề thời gian. Anh cho rằng, nếu tiếp tục như hiện nay, “những nguồn lực ít ỏi còn lại sẽ nhanh chóng bị tiêu tốn hết. Khi đó, hệ thống sẽ không còn đủ năng lực để vận hành một cách bình thường chứ đừng nói gì đến chuyện chữa trị cho người bệnh”. Đây là một quan điểm tương thích với hành động “liệu cơm gắp mắm” của chính phủ Anh, là không thể để kiệt quệ nguồn lực mà phải để lại dự trữ cho một cuộc đua marathon với dịch COVID-19 cho đến khi có vắc-xin. Nó phản ánh hơi hướng của một sự đánh đổi sinh kế và sinh mạng như tôi nói ở trên.

Thế nhưng, một người bạn của tôi phản biện rằng, Chính phủ Việt Nam biết điều đó. Chính phủ cũng không phải ngây thơ tin rằng, có thể dồn toàn lực mà diệt sạch con virus này. Những biện pháp của Chính phủ chính là để trì hoãn không để dịch ập đến quá mạnh cùng lúc và cố giãn dịch ra để hệ thống y tế không chịu áp lực quá lớn. Nó không khác gì chiến lược chủ đạo của Chính phủ Anh hay Đức là trì hoãn giãn dịch ra để giảm sức ép cho hệ thống y tế.

Khác nhau chỉ là ở chỗ Chính phủ Anh hay Đức có vẻ lơi lỏng trong cách ly các ca bệnh, không cách ly tập trung, chưa đóng cửa trường học, nhưng đó là vì họ không thể tập trung nguồn lực “chống dịch như chống giặc” nhanh như ở Việt Nam. Chính phủ Anh phải “đi dây” với những đảng phái chính trị nhằm đạt được một ngân sách cho phép họ chi tiền, mà quan trọng là được phép vay thêm tiền để tài trợ những khoản chi đó. Và khi cảm thấy có đủ nguồn lực ngân sách và thời điểm phù hợp, họ cũng nâng mức chống dịch lên trạng thái mới là “trì hoãn”, cân nhắc những giải pháp hủy bỏ sự kiện thể thao, văn hóa, đóng cửa trường học, đều là những quyết định “tốn kém”.

Chỉ có Chính phủ Việt Nam mới biết nguồn lực mình tới đâu. Chính phủ vẫn khẳng định quyết tâm chống dịch, như Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, sắp tới sẽ có những ca bệnh mới và Việt Nam tiếp tục áp dụng biện pháp cách ly, làm chậm quá trình phát tán virus. Vậy thì hãy cứ ủng hộ Chính phủ. Nguồn lực Chính phủ bao nhiêu, các chuyên viên Chính phủ tự biết tính toán. Không cần tính toán thay Nhà nước. Chỉ cần tuân thủ nghiêm túc quy định cách ly, đừng phát tán tin thất thiệt, có ý thức phòng ngừa cho bản thân và gia đình của một công dân là được.

Khi tôi hỏi Việt Nam có nguy cơ “vỡ trận” không nếu số ca tăng nhanh, có cần thay đổi chiến lược không, thì bạn tôi, một bác sĩ ở TP.HCM, trả lời khẳng khái: “Bao nhiêu ca cũng phải chống, không bỏ cuộc được, nếu quá khả năng thì chuyển qua các biện pháp khác!”. Cứ đơn giản vậy đi, nghĩ chi cho nhiều.

Nếu bác sĩ họ dám nghĩ vậy, nhà nước dám làm vậy, thì người dân cứ tin tưởng thôi. Mà rõ ràng Việt Nam có ít ca bệnh, kiểm soát tốt. Vậy cần gì phải trông vào cách làm của nước khác mà lo xa đi tính bài toán sinh kế – sinh mạng, sợ “vỡ trận”, cạn kiệt nguồn lực, thay cho chính phủ vào lúc này làm gì? Lẽ nào các bác sĩ, nhà nước không biết. Họ là người đang tự tay chi tiền, dùng nguồn lực. Họ biết khi nào cần đổi qua biện pháp khác. Chưa đến lúc thì chưa cần tính bài toán đó.

Một ông anh tôi rất kính trọng nhắn người xưa có câu “phong tục Bắc Nam cũng khác”, vậy cần gì chú ý đến cách mà nước người ta chống dịch, coi người ta có đóng cửa trường hay không, có cách ly không? Mỗi nước đang có điều kiện xã hội, chính trị, kinh tế khác nhau, nguồn lực chính phủ, chi phí hệ thống y tế, giá trị văn hóa cũng khác nhau. Việt Nam cứ đi con đường của mình thôi.