Tổ chức hội nghị “ba trong một”, Chính phủ quyết đưa vùng “lõi nghèo” phát triển

Sáng nay (27/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về phát triển Vùng Trung du và miền núi phía Bắc và xúc tiến đầu tư Vùng.

Đây là hội nghị “ba trong một”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của Vùng.

Cùng với đó, Triển lãm Ảnh nghệ thuật “Vùng Trung du miền núi phía Bắc: Tiềm năng và cơ hội” cũng sẽ được tổ chức, trưng bày gần 200 bức ảnh, nhằm giới thiệu vẻ đẹp của vùng đất và con người, đồng thời khắc họa những nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa, tinh thần, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc của đồng bào Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Vận hội mới cho vùng đất “phên giậu” của Tổ quốc đang được mở ra, người dân nơi đây sẽ thoát nghèo và có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc

Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Vùng Trung du miền núi phía Bắc, mở ra “vận hội mới” cho vùng đất “phên giậu” của Tổ quốc.

Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh là Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình.

Đây chính là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia. Song, dù được quan tâm phát triển, với một trong những chính sách quan trọng là Nghị quyết số 37-NQ/TW về phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng, song cho đến nay, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo của cả nước.

Trước thực trạng này và trong bối cảnh, tình hình mới, với các yêu cầu phát triển mới, việc phát triển kinh tế – xã hội Vùng Trung du, miền núi Bắc bộ cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, bằng một tư duy mới, tầm nhìn phát triển mới.

Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW, với mục tiêu phát triển Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; là hình mẫu phát triển xanh của cả nước…

Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết này và ngày hôm nay, Hội nghị triển khai chương trình hành động này được tổ chức.

Tư duy mới, lộ trình phát triển mới cho vùng đất “phên giậu”

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị đã đặt ra lộ trình cụ thể với những tư duy mới, cách làm mới, nhiệm vụ và giải pháp mới mang tính đồng bộ, thể hiện rõ quyết tâm, phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.

Theo đó, phấn đấu từ nay đến năm 2030, tăng trưởng GRDP vùng đạt 8-9%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng/người/năm, gấp khoảng hơn 2 lần so với hiện nay; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%, gần gấp đôi so với hiện tại và có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và mỗi tỉnh có ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới…

Để đạt được những mục tiêu này và tiếp tục tạo sự bứt phá của Vùng trong giai đoạn tiếp theo, Chương trình hành động của Chính phủ xác định nhiệm vụ ưu tiên cao nhất là gỡ các nút thắt về phát triển của Vùng.

Khi nút thắt hạ tầng được tháo gỡ, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc sẽ có nhiều cơ hội để phát triển

Trước hết là hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng. Trong đó, sớm hoàn thành lập và phê duyệt Quy hoạch phát triển Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hình thành một số cực tăng trưởng và trung tâm kinh tế của Vùng như Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn; phát triển các hành lang kinh tế gắn với Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng; hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của Vùng tại vành đai Bắc Giang – Thái Nguyên – Phú Thọ gắn với Vùng Thủ đô…

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế điều phối Vùng và kết nối phát triển Vùng, đi cùng với thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối Vùng một cách đồng bộ, hiệu quả.

Ngay trước thềm Hội nghị, Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng Điều phối vùng, nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện Vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Để góp phần tạo nên các hành lang phát triển và mang tính kết nối liên vùng, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị xác định đến năm 2030 sẽ hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc, tiền cao tốc, các tuyến quốc lộ quan trọng kết nối với các địa phương trong vùng bởi giao thông vừa là động lực và cũng là nút thắt lớn nhất đối với sự phát triển của Vùng. 

Theo đó, đến năm 2025, tập trung hoàn thành nhiều tuyến huyết mạch, có ý nghĩa quan trọng như Hữu Nghị – Chi Lăng, Tuyên Quang – Phú Thọ, Chợ Mới – Bắc Kạn, Tuyên Quang – Hà Giang và tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Các sân bay như Sapa và Điện Biên, cùng với tuyến đường sắt và đường thủy cũng sẽ được đầu tư nâng cấp, cải tạo để kết nối thuận lợi với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các địa phương khác phía Nam.

Cùng với đó, giai đoạn từ 2026-2030 sẽ hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Hòa Bình – Mộc Châu – Sơn La và Đoan Hùng – Chợ Bến, cùng tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Đồng thời, nghiên cứu kêu gọi đầu tư xây dựng sân bay Nà Sản, Lai Châu; đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng; đầu tư nâng cấp tuyến vận tải thủy Việt Trì – Yên Bái – Lào Cai…

Cùng với giải quyết các vấn đề về cơ sở hạ tầng giao thông, Chương trình hành động của Chính phủ còn đưa ra nhiều định hướng, giải pháp quan trọng để giải quyết các vấn đề mang tính đặc hữu khác của Vùng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, văn hóa, tài nguyên – môi trường và quốc phòng an ninh…, tạo tiền đề cho các địa phương cùng phát triển, tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển kinh tế số, xã hội số và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Với những định hướng, giải pháp cụ thể, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội mới về phát triển cho 14 tỉnh và các địa phương trong Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.