.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trong một phiên họp của Quốc hội.

Quốc hội sắp hoàn thành hoạt động chất vấn diễn ra trong hai ngày rưỡi, bắt đầu từ chiều 7/6.

Chiều nay (9/6), từ 15h20 đến 16h50, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh có 70 phút để làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Trước đó, trong phiên họp sáng cùng ngày, đại biểu Tô Ái Vang  (Sóc Trăng) đã đặt câu hỏi với Phó thủ tướng: Trong bối cảnh toàn cầu hóa hội nhập quốc tế, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế, đặc biệt là sinh kế của cộng đồng dân cư nông thôn. Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo với nhiều chủ trương, chính sách mang tầm chiến lược, đặc biệt là Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đại biểu chất vấn Phó thủ tướng rằng, Chính phủ sẽ có những giải pháp, tác động nào để hiện thực hóa chủ trương chính sách mang tầm chiến lược giúp Đồng bằng sông Cửu Long phát triển một cách bền vững?

Trước đó, theo thông tin từ Tổng thư ký Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội cũng đề xuất một số nội dung chất vấn Thủ tướng.

Đó là việc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (giải thể, cổ phần hóa) chưa thực hiện đúng theo tiến độ, khối lượng đề ra trong nhiều năm. Chưa có hướng dẫn thực hiện Kết luận số 82-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30- NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và các giải pháp trong thời gian tới như thế nào?

Đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công của nước ta thời gian qua vẫn còn một số bất cập như hệ số ICOR của khu vực nhà nước cao, việc chậm giải ngân vốn, còn tình trạng lãng phí, thất thoát rất lớn nguồn vốn nhà nước… Nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành trong thời gian tới là nôi dung cũng được đề xuất chất vấn lãng đạo Chính phủ.

Một số đại biểu đề xuất chất vấn Thủ tướng về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về  chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Các chương trình mục tiêu quốc gia, gồm Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số chậm được triển khai. Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và có các giải pháp nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, cũng là nội dung đại biểu muốn chất vấn Thủ tướng.

Qua phiếu chất vấn, đại biểu cũng chất vấn Thủ tướng: Thời gian qua cùng với giá xăng dầu liên tục tăng cao, kéo theo giá thành các nguyên vật liệu tăng, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công của các công trình trọng điểm. Hầu hết các nhà thầu bị mất cân đối tài chính do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng đột biến so với thời điểm đấu thầu, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bị giãn hoặc chậm.

Để đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công các công trình trọng điểm quốc gia, đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ các yếu tố tác động đến công trình, thường xuyên nắm bắt để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan.

Nội dung chất vấn dành cho Thủ tướng qua văn bản còn là: theo thông tin được chỉ ra tại Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 công bố ngày 10/5/2022, đáng quan ngại là chỉ số nội dung kiểm soát tham nhũng khu vực công năm 2021 lần đầu tiên giảm sút kể từ năm 2016 khi chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt được triển khai thực hiện. Trong đó có nội dung tỷ lệ người dân làm thủ tục hành chính liên quan đến cấp, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chi “lót tay” dao động từ 40-90% ở hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết, thời gian tới sẽ có biện pháp chỉ đạo quyết liệt nào để khắc phục ngay tình trạng nêu trên.

Vẫn là chất vấn dành cho Thủ tướng, đại biểu nêu: tại Việt Nam, hiện nay tiền điện tử chưa được công nhận về mặt pháp lý và không được xem là phương thức thanh toán hợp lệ, việc phát hành và sử dụng các loại tiền điện tử là không hợp pháp. Tuy nhiên, thời gian qua các hoạt động giao dịch các loại tiền điện tử thu hút rất nhiều người tham gia, nổi bật như đồng bitcoin, ETH… thực tế số lượng giao dịch hàng ngày có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng, thậm chí có thể hơn, việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho đối tượng tham gia giao dịch. Ngoài ra, từ các giao dịch này cơ quan quản lý nhà nước chưa thu được thuế, dẫn đến việc thất thu thuế và đặc biệt là khó khăn trong việc xử lý tội phạm công nghệ cao.

Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết đã và sẽ đề ra giải pháp gì để chỉ đạo các bộ, ngành kiểm soát, quản lý các giao dịch tiền điện tử một cách hiệu quả.

Theo thông lệ, tại kỳ họp cuối năm, Thủ tướng mới trả lời chất vấn trực tiếp. Suốt hai ngày rưỡi qua, ông luôn có mặt ở hàng ghế đầu trong Hội trường Diên Hồng, chăm chú lắng nghe và ghi chép.