Ngày 22/12, Toà án Nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị thông báo về kết quả đạt được trong năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2023.

Tại hội nghị, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, về tổng thể, tất cả các chỉ tiêu của ngành tòa án trong năm 2022 đều đạt. Trong đó, đã hoàn thành tất cả đề án quan trọng được trung ương giao như đề án cải cách tư pháp, xây dựng tòa án điện tử, xây dựng tư pháp người chưa thành niên…

“Những đề án này chúng ta đã làm tốt, được cấp có thẩm quyền thông qua, đánh giá với chất lượng cao. Riêng đề án cải cách tư pháp, nhiều nội dung đổi mới của tòa án đã được trung ương đưa vào nghị quyết”, ông Bình nêu rõ.

Tham gia vào tiến trình giải quyết các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo, hệ thống tòa án đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình… Các bản án đúng người, đúng tội, tâm phục, khẩu phục, rất nghiêm khắc, nhưng cũng nhân đạo, nhân văn, thu hồi được nhiều tài sản. Điều này có sự đóng góp của tất cả các cơ quan trong khối nội chính, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư đứng đầu.

“Từ nay đến năm 2023, chúng ta sẽ lần lượt chứng kiến đưa ra xét xử những vụ án rất lớn”, ông Bình thông tin.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Về xây dựng pháp luật, năm đầu nhiệm kỳ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành được ba pháp lệnh đều do Toà án Nhân dân tối cao xây dựng. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh ngành tòa án có đóng góp rất lớn trong việc hoàn thiện thể chế của Nhà nước, Quốc hội. Ngoài ra, hội đồng thẩm phán cũng ban hành nhiều nghị quyết, phát triển án lệ.

“Rất mừng là việc vận dụng án lệ trong xét xử đã thành xu thế, thành thói quen của các thẩm phán. Tổng kết chúng ta đã có hơn 1.000 vụ án viện dẫn án lệ”, ông Bình cho biết.

Ngoài ra, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng đánh giá cao phương thức xét xử trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tạo ra trợ lý ảo được thẩm phán sử dụng. “Năm 2022 có hơn 5.000 vụ án được xử trực tuyến. Thực tế, khi một bị cáo ra tòa nhìn thấy người nhà, đồng phạm có thể khai khác đi nhưng khi xét xử trực tuyến ngồi trong trại khai thì đúng như cũ, không có phản cung hay gì khác”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin.

Chánh án Toà án Nhân dân tối cao cũng đưa ra 2 mặt hạn chế trong năm 2022, đó là nhiều địa phương còn yếu trong xét xử án hành chính, kết quả xử án đạt chất lượng không cao, phải sửa nhiều. Bên cạnh đó, việc giải quyết đơn ở các địa phương còn yếu, đẩy lên Toà án Nhân dân tối cao nhiều.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh, phải khắc phục, hoàn thiện những hạn chế trong năm 2022 và hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản về xét xử, nhiệm vụ mà Quốc hội giao phó.

“Đặc biệt, tòa án mỗi địa phương, mỗi tỉnh phải giới thiệu và được chấp nhận tối thiểu 1 án lệ. Địa phương nào không có coi như không hoàn thành nhiệm vụ”, ông Bình nói.

Năm 2022, các tòa án đã thụ lý 567.521 vụ việc, đã giải quyết được 504.681 vụ việc, đạt tỷ lệ 88,9%. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 0,9%, đáp ứng nghị quyết của Quốc hội và tòa án đề ra. Đồng thời, đã xử lý nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn gây ra các thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội quan tâm. Đã tuyên thu hồi tài sản đối với 840 vụ, 1.995 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền trên 4.000 tỷ đồng và nhiều tài sản khác.