Khát vọng phát triển nhanh, bền vững

Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được tất cả các thành viên Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh nhất trí thông qua vào giữa tuần này.

Đây là điểm tựa để Cao Bằng hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh, bền vững;  đảm bảo quốc phòng – an ninh, giữ vững biên cương Tổ quốc, vừa giữ dân, giữ đất, bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, như khẳng định của ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng.

Theo mục tiêu được xác định trong Quy hoạch, đến năm 2030, Cao Bằng là tỉnh có nền kinh tế phát triển năng động, xanh, bền vững và toàn diện, có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn mức tăng trưởng bình quân của vùng và là tỉnh phát triển trung bình của vùng Trung du, miền núi phía Bắc. Tỉnh sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cao Bằng sẽ trở thành trung tâm giao thương kinh tế, văn hoá, đối ngoại giữa Việt Nam và Khu tự trị dân tộc Choang, các tỉnh phía Tây, Tây Nam Trung Quốc và các nước ASEAN.

Mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 – 2030 đạt 9,72%/năm, thu ngân sách trên địa bàn bình quân tăng trên 12%/năm. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 101,7 triệu đồng. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cả thời kỳ 2021 – 2030 khoảng 160.200 tỷ đồng.

Ba khâu đột phá được Cao Bằng đề ra là: tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh để thu hút các nguồn lực, các nhà đầu tư chiến lược và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp của tỉnh; tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong đồng bào dân tộc thiểu số, gắn kết chặt chẽ với ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và đời sống.

Mục tiêu đến năm 2050, Cao Bằng là một trong những tỉnh phát triển khá, có mức thu nhập bình quân đầu người nằm trong tốp 7 tỉnh đứng đầu vùng Trung du, miền núi phía Bắc, phát triển xanh, bền vững và toàn diện; là một trong những đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng và là động lực phát triển ở vùng Trung du, miền núi phía Bắc trong phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch – dịch vụ.

Phân 3 vùng không gian để khai thác tối đa tiềm lực

Để khai thác tối đa tiềm lực phát triển, tỉnh Cao Bằng phân thành 3 vùng liên huyện.

Vùng Trung tâm (Vùng I) gồm TP. Cao Bằng, các huyện Hòa An, Hà Quảng. Đây là vùng động lực phát triển của tỉnh, cơ cấu kinh tế phát triển mang tính tổng hợp và chất lượng cao, được tập trung đầu tư để hình thành các trung tâm trung chuyển hàng hóa, khu du lịch chất lượng cao, trung tâm thương mại dịch vụ, khu – cụm công nghiệp…

Vùng miền Đông (Vùng II) gồm các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Hòa và Thạch An, với đặc trưng là kinh tế cửa khẩu, thương mại dịch vụ và công nghiệp chế biến nông sản, tập trung phát triển các hình thức du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng, tham quan.

Vùng miền Tây (Vùng III) gồm các huyện Nguyên Bình, Bảo Lâm và Bảo Lạc, được quy hoạch nhằm bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của môi trường sinh thái, môi trường văn hóa đặc sắc, kết nối du lịch, quảng bá thương hiệu…, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm phát triển du lịch.

Góp ý vào Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các chuyên gia và thành viên Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh cho rằng, tỉnh cần tiếp tục nhận diện, đánh giá kỹ hơn vị trí địa lý, tiềm năng, dư địa phát triển của tỉnh so với các địa phương trong khu vực, thực trạng và vị thế phát triển, chỉ rõ những nguyên nhân cản trở sự phát triển của địa phương…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh Cao Bằng cập nhật các chủ trương mới, xu thế mới trong phát triển kinh tế – xã hội, phát triển vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia; đồng thời tập trung làm rõ vai trò của tỉnh trong vùng, nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng – an ninh, bảo tồn văn hóa, mục tiêu phát triển kinh tế biên mậu.