Cần tiếp tục giảm thuế GTGT cho doanh nghiệp

Từ 1-1, Nghị định 15 về việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) với các nhóm hàng hóa, dịch vụ… hết hiệu lực. Người mua hàng hóa, dịch vụ trở lại nộp thuế GTGT 10%. Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, cần kéo dài chính sách giảm thuế GTGT nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân.

Đồng loạt kiến nghị

Theo các DN, năm 2022, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những chỉ đạo và chính sách hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là chính sách giảm thuế GTGT 2% áp dụng từ ngày 1-1-2022 đến 31-12-2022 đã phát huy hiệu quả rất cao, tác động nhanh và trực tiếp, kích thích sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, các DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn hậu COVID-19, vì vậy chính sách giảm thuế suất thuế GTGT trong năm 2023 là cần thiết để các DN có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ và Bộ Tài chính về việc gia hạn chính sách miễn thuế GTGT 2% mới đây, Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM (FFA) cho biết những tháng cuối năm 2022 xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi khi áp lực lãi suất tăng nhanh; thanh khoản hệ thống ngân hàng trở nên căng thẳng, các thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản bộc lộ nhiều rủi ro; giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao; nhiều DN bị cắt giảm đơn hàng… 

Trước tình hình đó, DN không thể tiếp tục đà phục hồi nếu không có sự hỗ trợ. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA, cho rằng những chính sách hỗ trợ lãi suất cũng như các chính sách khác thời gian qua phát huy hiệu quả không nhanh và không trực tiếp đối với DN và người dân. Trong khi đó, đa số DN đều cảm nhận và đánh giá cao tính thiết thực của chính sách giảm thuế GTGT 2% và mong muốn được gia hạn chính sách này.

Cần tiếp tục giảm thuế GTGT cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Từ ngày 1-1-2023, người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ không còn được giảm thuế GTGT 2% Ảnh: THANH NHÂN

Tương tự, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng gửi văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế GTGT 2% tới hết năm 2023. Theo VBA, các DN trong ngành đã có dấu hiệu phục hồi tích cực nhưng chỉ là bước đầu. 

“Thời gian gần đây, các DN đang phải chịu tác động không nhỏ từ cuộc khủng hoảng năng lượng và tăng giá nguyên, nhiên liệu do hệ quả của xung đột Nga – Ukraine khi chi phí đầu vào tăng mạnh, sụt giảm nhu cầu của thị trường xuất khẩu do chu kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu. Lạm phát tăng, lãi suất ngân hàng tăng cao… ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN” – VBA nêu cơ sở kiến nghị.

Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tin tưởng chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đã có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế, hỗ trợ DN và người dân đối phó với những tác động tiêu cực và đại dịch, từng bước phục hồi đà tăng trưởng và phát triển kinh tế. 

“Việc gia hạn giảm thuế GTGT 2% sẽ giúp DN trong thời điểm khó khăn hiện tại. Quý IV năm nay, nhiều DN Việt Nam, DN FDI đã phải sản xuất cầm chừng vì thiếu đơn hàng. Các tổ chức uy tín như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) đều có nhiều dự báo thận trọng về tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 là thấp hơn 6,52%. Do đó, việc tiếp tục giảm thuế GTGT sẽ góp phần giúp DN giảm chi phí đầu vào, chia sẻ khó khăn với người thu nhập thấp và kích thích sản xuất tiêu dùng” – ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, nêu. 

Một cơ sở khác để Việt Nam gia hạn việc giảm thuế GTGT 2%, theo EuroCham, là nhiều quốc gia khác ở châu Á như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản… cũng đang thực hiện chính sách này; một số quốc gia chưa xác định thời hạn kết thúc. Các quốc gia này cũng thể hiện tốc độ tăng trưởng GDP tương đối tốt so với các quốc gia không thực hiện chính sách giảm thuế GTGT trong năm 2022.

Nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ

Tại tọa đàm về kinh tế năm 2023 mới đây, bà Trần Lệ Thu, đại diện Công ty Hòa Thuận (lĩnh vực xuất khẩu cao su), cho biết các DN trong ngành đang gặp nhiều khó khăn vì chưa được hoàn thuế GTGT trong khi rất cần vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Theo bà Thu, nếu ngành cao su không xuất khẩu được sẽ ảnh hưởng các ngành khác như logistics, ngân hàng… Các DN cao su ở TP HCM đã kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nhiều lần nhưng chưa được giải quyết; DN chưa nhận được câu trả lời bao giờ được hoàn thuế GTGT để lấy vốn tiếp tục hoạt động. Trong khi đó, DN xuất khẩu cao su phải vay vốn NH và đang đối mặt với nguy cơ không có đơn hàng xuất khẩu trong quý I/2023.

Cũng dự báo xuất khẩu trong quý I/2023 sẽ không thể giữ được kết quả tích cực như năm 2022, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ. 

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, ở lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, DN kiến nghị cơ quan thuế không “hồi tố” thời gian chậm nộp thuế GTGT khi tái nhập hàng xuất khẩu đã được hoàn thuế GTGT bị trả về. Ngoài ra, còn có những vướng mắc liên quan đến lĩnh vực y tế, môi trường. 

“Cộng đồng DN mong muốn Văn phòng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo để sớm giải quyết các vướng mắc, bất cập, nhằm dỡ bỏ các gánh nặng về chi phí cũng như ách tắc thủ tục hành chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho cộng đồng DN để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của DN, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và vị thế của thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế” – ông Trương Đình Hòe bày tỏ.

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), nhận định hiện tại, xuất nhập khẩu gia tăng nhưng DN logistics không tham gia được chuỗi cung ứng của FDI. Vì vậy, Chính phủ cần chính sách phát triển các DN xứng tầm, có cơ chế ưu đãi tiếp cận nguồn vốn, lãi suất, thuế cho việc thúc đẩy liên kết giữa các DN. 

Lãnh đạo VLA cũng đề xuất Bộ Khoa học Công nghệ và các cơ quan liên quan cần có chương trình hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn phát triển công nghệ, đơn cử như với quỹ phát triển công nghệ quốc gia. 

Đề xuất có chương trình đặc biệt cho logistics, theo đó việc tiếp cận nguồn vốn và giải ngân không cần theo quy định có tài sản bảo đảm mà dựa trên tính khả thi và hiệu quả kinh doanh do ứng dụng công nghệ – đúng theo tinh thần của quỹ. Các địa phương cũng cần chủ động đưa ra mức ngân sách hay quỹ hỗ trợ của địa phương, nhất là hoạt động khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo. 

DN sẽ nộp thuế thu nhập DN nhiều hơn!

Trong khi nhiều hiệp hội DN đồng loạt kiến nghị thì các ý kiến chuyên gia đồng tình cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện tại, có thể tiếp tục gia hạn chính sách này đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, thành viên Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP HCM, cho biết GTGT là sắc thuế gián thu đánh trên toàn bộ mặt hàng từ sản xuất đến tiêu dùng.

Vì vậy, việc giảm thuế GTGT sẽ giúp kéo giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ…, góp phần kiểm soát lạm phát. Việc giảm thuế GTGT sẽ giúp DN tăng sức cạnh tranh, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn làm tăng thêm doanh thu, lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa DN sẽ nộp thuế nhiều hơn để bù đắp cho nguồn thu ngân sách do giảm thuế GTGT.

Người nộp thuế bị thiệt thòi

Đối với thuế thu nhập cá nhân (TNCN), hiện nay, Luật Thuế TNCN quy định sau trừ các thu nhập miễn thuế, giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng, giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế /tháng được tính theo 7 bậc. Nhiều ý kiến phản ánh sắc thuế này bộc lộ quy định giảm trừ gia cảnh chưa phù hợp khiến người nộp thuế bị thiệt thòi.

Theo ông Phạm Hoàng Nam, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế VINASC, hiện nay, tình hình lạm phát, mức sống của người dân và vật giá ở từng vùng khác nhau, mức lương tối thiểu vùng cũng đã được nhà nước tăng, việc cố định giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng, giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng là chưa phù hợp thực tế.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín – ông Nguyễn Văn Được – cho rằng chính sách thuế TNCN có một số điểm cần phải xem xét lại mức giảm trừ gia cảnh dù có tăng thêm trong thời gian gần đây nhưng vẫn chậm so với diễn biến của giá cả hàng hóa, chi phí sinh hoạt của người nộp thuế.


NHÓM PHÓNG VIÊN