Cấm “độ” xe, người dùng mất thú vui

Đồng thời, không sử dụng ôtô kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ (kể cả tài xế) trở lên để kinh doanh dịch vụ taxi. Riêng xe đã cải tạo và được cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày Nghị định 47 có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng đến hết niên hạn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhu cầu “độ” xe ngày càng lớn, phổ biến nhất là giảm bớt số ghế để tạo không gian thoải mái cho hành khách hoặc người sử dụng phương tiện. Không ít chủ xe còn muốn biến chiếc ôtô thành “ngôi nhà di động” để phục vụ mục đích du lịch, chứa đồ…

Từ nhu cầu trên, khá nhiều cơ sở “độ” xe ra đời và đã hoán cải không ít mẫu xe như Ford Transit, Ford Tourneo, Hyundai Solati, Kia Sedona. Những chiếc xe sau khi được cắt bớt số ghế và trang bị thêm nhiều nội thất được gọi với tên chung là “limousine” hay “chuyên cơ mặt đất” để thu hút hành khách có nhu cầu đi lại bằng phương tiện tiện nghi.

Cấm độ xe, người dùng mất thú vui - Ảnh 1.

Xe khách 16 chỗ không còn cơ hội cải tạo thành xe dưới 10 chỗ

Một số hãng ôtô sẵn sàng đáp ứng nhu cầu hoán cải xe nguyên bản của khách hàng. Chẳng hạn, Ford chấp nhận thiết kế lại mẫu 16 ghế Transit xuống số ghế ít hơn song vẫn bảo đảm 10 chỗ trở lên đúng theo Nghị định 47. Trong khi đó, các cơ sở “độ” xe cho biết với quy định mới, họ vẫn có thể nhận hoán cải xe từ 16 chỗ xuống 10 hoặc 12 chỗ.

“Tuy nhiên, số lượng khách “độ” xe chắc chắn giảm bởi đa phần muốn hoán cải xuống dưới 10 chỗ ngồi để phục vụ mục đích riêng. Với xe đã độ phục vụ nhu cầu cá nhân, gia đình, chủ xe sẽ lo lắng và tìm cách hợp thức hóa hoặc chuyển nhượng” – chủ một cơ sở “độ” xe dự báo.

Theo ông Đỗ Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 5003S (TP HCM), trước đây, khi quy định chưa rõ ràng, có tình trạng cải tạo xe trên 10 chỗ xuống dưới 10 chỗ. Tuy vậy, cũng có nhiều địa phương không chấp nhận xe đã được hoán cải hoạt động trên địa bàn. Đến nay, cơ quan chức năng đã thống nhất cấm hoán cải xe trên 10 chỗ xuống dưới 10 chỗ nên những xe đã hoán cải mà chưa được công nhận (cấp phù hiệu) sẽ bị phạt khi lưu thông.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ôtô, cho rằng việc tăng số ghế, tăng tải thì đáng lo ngại về mặt an toàn; còn giảm số ghế, hạ tải thì không sao. Ở một số nước, khi hạ tải xe chỉ cần đăng ký với cơ quan chức năng; còn tăng tải thì phải liên hệ với nhà sản xuất để được can thiệp về kỹ thuật và được cấp giấy chứng nhận.


Bài và ảnh: Long Giang