.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên thảo luận.

Giải trình cuối phiên thảo luận sáng 22/9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói rằng, liên quan đến các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, rất khó khi đưa ra được điều kiện, tiêu chí.

Trước đó, cơ quan chủ trì thẩm tra (Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội) và nhiều ý kiến tại phiên thảo luận đều cho rằng, quy định về thu hồi đất tại dự thảo chưa đáp ứng được yêu cầu tại quyết số 18-NQ/TW: “Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Dự thảo mới chủ yếu liệt kê, theo cách làm của luật hiện hành. 

Thừa nhận các ý kiến góp ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến các trường hợp Nhà nước thu hồi đất là hết sức chính xác và thỏa đáng, ông Hà nói “Nghị quyết 18 đã nêu nhưng chúng ta vẫn chưa làm được. Hiện nay cơ quan soạn thảo với các cơ quan, các nhà khoa học có liên quan thấy rất khó khi đưa ra được điều kiện, tiêu chí”.

Theo Bộ trưởng, quy định về thu hồi đất liên quan đến an ninh, quốc phòng, đầu tư từ nguồn lực nhà nước, đầu tư công, các dự án liên quan đến hạ tầng thì rất dễ. Nhưng với các dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì một mặt là những gì có thể lượng hóa được thì đưa ra tiêu chí, điều kiện, còn những gì không lượng hoá được thì tạm thời liệt kê.

“Chúng tôi biết phương pháp liệt kê cũng chưa thỏa đáng. Chế định thế nào để hiểu vấn đề lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì cần phải tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo nội hàm này rõ hơn”, ông Hà phát biểu.

Liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất, Trưởng ban soạn thảo dự án luật giải thích, nhà nước thực hiện đại diện chủ sở hữu phải quyết định, định đoạt thu hồi đất.

Ông Hà cho biết, hiện nay đối với trường hợp tự nhận chuyển nhượng trong các dự án người dân tự sắp xếp để tạo ra cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị trong một khu hẹp, hoặc tự chuyển nhượng để trực tiếp sản xuất và cung cấp các dịch vụ bình thường, tức là không làm chênh lệch địa tô do quyền định đoạt này xảy ra thì không hạn chế.

Nhưng đối với nhà ở thương mại do chuyển mục đích từ đất nông nghiệp hoặc đất lâm nghiệp sang thì nhà nước phải đấu thầu, đấu giá để đảm bảo bình đẳng và thể hiện được quyền năng của nhà nước.

Việc này cũng để đảm bảo rằng Nhà nước sẽ đảm bảo các quyền lợi đối với người sử dụng đất bị thu hồi.

Liên quan đến người sử dụng đất, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến thẩm tra cho rằng dự thảo Luật chưa quy định về người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài, dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc tiếp cận đất đai đối với người nước ngoài là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng không đề cập đến vấn đề công nhận quyền sử dụng đất đối với cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Do đó, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể hơn đối với nội dung này, trường hợp cần thiết cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quy định cụ thể trong dự thảo Luật.

Bộ trưởng Hà cho biết, thực tế hiện nay thông qua Luật Nhà ở đã cho phép người nước ngoài tiếp cận nhà ở cùng với đất.

Mặt khác, Bộ trưởng  giải thích, theo Luật Đầu tư, đối với các doanh nghiệp, cổ phần của doanh nghiệp nước ngoài dưới 49% thì được coi là doanh nghiệp Việt Nam.

“Như vậy, ở 2 luật này và ở 2 khu vực này thì nghiễm nhiên đã có rất nhiều người nước ngoài được tiếp cận nhà và đất, có những doanh nghiệp nước ngoài đã được tiếp cận với nhà đất. Nhưng nếu chúng ta không đưa vào để quản lý thì câu hỏi đặt ra là làm sao tiếp tục đảm bảo được an ninh, quốc phòng”, Bộ trưởng Hà giải thích.

Dự thảo chỉ giải quyết vấn đề thực tế đã đặt ra, ông Hà khẳng định.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật. Ủy ban Kinh tế hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).