Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, những năm qua, Bộ Nội vụ đã tập trung xây dựng hệ thống thể chế, chính sách và phối hợp, triển khai đồng bộ, toàn diện lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành liên quan tới bộ, ngành, địa phương. Trong đó, Bộ tập trung tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng đội ngũ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tài phiên chất vấn tại Quốc hội.

“Phía trước, ngành Nội vụ còn rất nhiều việc phải đổi mới, bổ sung, hoàn thiện đòi hỏi phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội và cử tri cả nước”, bà Trà nói.

Đại biểu Hà Sỹ Huân (tỉnh Bắc Kạn) đặt câu hỏi về thực trạng đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức viên chức hiện nay chưa thực chất, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm. Ông đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp đánh giá cán bộ chính xác, hiệu quả.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã quan tâm đánh giá cán bộ nên kết quả có chuyển biến tích cực.

Năm 2021, số cán bộ được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 22% so với trước đó là 30%. Cán bộ công chức viên chức không hoàn thành nhiệm vụ là 1,72%, so với trước đó chỉ 0,56-0,64%.

Tuy nhiên, bà Trà cũng thừa nhận, về tổng thể, việc đánh giá cán bộ công chức viên chức chưa sát thực tiễn, gắn với kết quả làm việc. Vì vậy, để đánh giá tốt hơn sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật về đánh giá, đảm bảo đồng bộ liên thông, theo hướng xuyên suốt, đa chiều, bằng sản phẩm cụ thể.

Về giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ công chức trong lĩnh vực pháp luật, Bộ trưởng Trà cho biết, dù thời gian qua rất quan tâm tới lực lượng này, nhưng việc thu hút lực lượng này khó khăn. Thời gian tới cần phối hợp chặt chẽ, đề án căn cơ, chuẩn bị nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống văn bản pháp luật.

Đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) đặt câu hỏi về việc tinh giản biên chế thời gian qua tác động thế nào đến việc cải cách lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Mặt khác, theo đánh giá, việc tinh giản hiện còn cơ học, dẫn đến ở một số ngành, địa phương thiếu biên chế cục bộ. Nguyên nhân chính của việc này, giải pháp và bao giờ giải quyết được bất cập nói trên?

Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ năm 2019 đến nay, việc tinh gọn bộ máy đã tiết kiệm hơn được 25.600 tỷ đồng, tác động rõ trong cải cách tiền lương.

Hiện nay, Bộ Nội vụ vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai vấn đề này để cải cách bộ máy ở các cấp hành chính bên dưới, cấp huyện, xã, nhằm hướng tới cải cách tiền lương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, với việc giảm trên 10% biên chế là nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, nhưng đúng là giai đoạn vừa qua có tình trạng cào bằng, do bước đầu thực hiện thì phải làm cơ học, giao cho các cơ quan địa phương là 10%, nhưng cũng là căn cứ để thực hiện trong thời gian tới.

Trả lời vấn đề trên, theo Bộ trưởng Trà, từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022 đã xử lý 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có cán bộ phải xử lý hình sự. Số đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức đã phải xử lý kỷ luật hơn 20.300 người, trong đó có cả xử lý hình sự.

“Số lượng này tính trên tổng số cán bộ công chức, viên chức chiếm khoảng 1% và đây là con số lớn nhất từ trước đến nay”, bà Trà nói.

Từ thực trạng này, bà Trà cho rằng phải thực hiện rất nghiêm tinh thần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, kỷ luật, kỷ cương công vụ. Thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh. Bộ sẽ tham mưu ban hành nghị định về đạo đức công vụ để đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với Nhà nước.