Tại phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nêu tình trạng hiện nhiều cây xăng ở Hà Nội, TP.HCM không bán hoặc bán rất ít, giới hạn chỉ 500.000 – 600.000 đồng đối với một ô tô, gây bức xúc cho người dân. Đại biểu đề nghị Thanh tra Chính phủ cho biết đã chỉ đạo thanh tra đột xuất việc cung ứng xăng dầu tại hai thành phố này chưa?

Đại biểu Anh cũng chuyển câu hỏi này đến Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, ngành đang thực hiện Nghị định của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao, tiến hành thanh tra về công tác xăng dầu hiện nay. Ngành đang triển khai phối hợp với ngành Công thương để đảm bảo bình ổn cung ứng xăng dầu.

Bộ trưởng Công thương: “Hy vọng trong những ngày tới, tình hình khan hiếm xăng dầu sẽ cơ bản được giải quyết”.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, trong mấy ngày qua, tình hình xăng dầu trên toàn thế giới và trong nước tiếp tục có những diễn biến mới, cụ thể là nguồn cung cho xăng dầu của thế giới ngày càng khan hiếm, bởi những ngày qua châu Âu và các nền kinh tế lớn là gia tăng thu mua lượng dầu hiện có từ các nguồn cung chính.

Vừa qua, các nước phương Tây áp lệnh trừng phạt lần thứ tám lên Nga và cấm tuyệt đối việc mua bán xăng dầu của Nga đối với những nước thuộc điều chỉnh của phương Tây. Hơn nữa, tỷ giá ngoại tệ mạnh để nhập khẩu liên tục thay đổi về tỉ giá, tăng cao trong tuần qua đã ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn ngoại tệ để được bảo lãnh nhập hỗ trợ thanh toán của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối cũng còn khó khăn vì nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của các ngân hàng. Do đó, tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung trong hệ thống tiếp tục diễn ra thêm ở một số nơi, nhất là những thành phố lớn tập trung đông dân cư.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng vào cuộc và đến nay, mỗi ngành chức năng đều đã và đang làm tốt hơn chức trách nhiệm vụ của mình. Sự phối hợp giữa các ngành từ Bộ Công thương cho đến Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước cũng đã phối hợp hiệu quả hơn.

Chiều 4/11, Bộ Công thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính để trong kỳ điều hành ngày 11/11 tới thì sẽ cập nhật những chi phí phát sinh. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo cụ thể cho các ngân hàng thương mại xem xét, giải quyết đối với những doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn và bảo lãnh cho việc thanh toán.

Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước theo thẩm quyền và phối hợp với Bộ Công thương cũng như các bộ ngành để giải quyết một cách dứt điểm và hy vọng trong những ngày tới, tình hình khan hiếm xăng dầu sẽ cơ bản được giải quyết.