Thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc định giá?

n
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu trong phiên thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) chiều 11/11

“Nếu Quốc hội thống nhất, những vấn đề liên quan đến phương pháp, nguyên tắc, phạm vi định giá thì giao Bộ Tài chính chủ trì”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu trong phiên thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) chiều 11/11.

Ông đề cập đến vấn đề này để giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội về mối quan hệ giữa Luật Giá và các luật khác.

Theo Bộ Tài chính, Luật Giá liên quan đến 21 bộ luật khác đã quy định trong các bộ luật chuyên ngành về giá. Bộ trưởng cho biết Dự thảo đã đưa ra những quy định để tránh vấn đề chồng chéo, trùng giẫm giữa Luật Giá với các quy định của luật khác và xây dựng theo hướng điều chỉnh một cách toàn diện vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về giá.

“Các đại biểu có nói đến quy định về vấn đề hướng dẫn xây dựng giá và phạm vi, phương pháp định giá, nếu được Quốc hội thống nhất thì những vấn đề liên quan đến phương pháp, nguyên tắc và phạm vi định giá thì giao cho Bộ Tài chính chủ trì”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói rõ.

Ví dụ liên quan đến giá đất, Bộ Tài chính sẽ chủ trì với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xác định giá đất. Hiện nay, việc xác định giá đang ở bộ chuyên ngành.

“Nếu được, giao cho chúng tôi nhận trách nhiệm này để đảm bảo không có sự chồng chéo hay có vấn đề sai lệch so với tiêu chuẩn chung”, Bộ trưởng cam kết.

Về tiêu chuẩn giá, Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính đã ban hành 13 tiêu chuẩn giá và đang tiếp tục hoàn thiện.

Về nội dung này, trong khi thảo luận ở Hội trường chiều 11/11, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cũng đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc định giá, rà soát biểu mẫu kê khai giá của các doanh nghiệp ở trung ương.

n
Đđại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) 

“Phân cấp phân quyền là chủ trương đúng. Nguyên tắc cần áp dụng trong quá trình thực hiện là cấp trên chỉ làm những việc mà cấp dưới không làm được tốt hơn. Dự thảo luật giảm bớt thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc định giá, trong việc rà soát biểu mẫu kê khai giá đối với doanh nghiệp ở trung ương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có cơ quan tài chính tham mưu để định giá, nhưng giao trách nhiệm định giá cho các bộ, cơ quan ngang bộ thì khó có thể yên tâm”, đại biểu Thúy nói.

Bởi vì, không phải bộ, cơ quan ngang bộ nào cũng có bộ phận chuyên môn về định giá và có đủ nhân lực làm việc này, cho dù thuê chuyên gia thì trách nhiệm cuối cùng vẫn là Chủ tịch Hội đồng định giá, phân cấp, phân quyền phải luôn đi đôi với việc nâng cao năng lực để thực hiện, nếu như xuống nước trước, tập bơi sau là việc làm nguy hiểm.

Mặt khác, để các bộ và cơ quan ngang bộ định giá hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc thì sợ có rơi vào lợi ích nhóm như trường hợp bộ kit test Việt Á không? Vì nguyên nhân tham nhũng nhiều khi nằm ngay trong những quy định bất hợp lý của pháp luật.

“Những thách thức qua phân cấp, phân quyền đặt ra trong dự thảo luật này là rất lớn, Quốc hội cân nhắc thận trọng”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị.

Đã đến lúc phải thay đổi cơ chế Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Liên quan đến các ý kiến về Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, Bộ trưởng cho biết đã lấy ý kiến của Bộ Công thương và các bộ, ngành về việc giữ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Bởi vì giá xăng, dầu tăng lên thì ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Vì vậy, giữ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu thì giảm sốc từ từ, được coi là một trong  5 công cụ quản lý thị trường xăng đầu hiện tại

4 công cụ còn lại, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, là thuế; chi phí định mức; nguồn cung; thông qua cấp phép để xây dựng bộ máy.

“Nhiều công cụ để đảm bảo điều chỉnh và giảm sốc giá xăng, dầu phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội, ổn định sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân là một điều rất cần thiết. Nếu chúng ta buông ra cho thị trường thì các hình thái kinh tế đã trải qua nhiều giai đoạn, từ giai đoạn lý thuyết bàn tay vô hình “đến lý thuyết bàn tay hữu hình”, “lý thuyết kết hợp giữa bàn tay vô hình và bàn tay hữu hình”. Người ta nói nếu kinh tế thị trường không có “bàn tay” của nhà nước thì giống như “vỗ tay bằng một bàn tay”, Bộ trưởng lý giải.

Trước khi Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có báo cáo giải trình, làm rõ một số ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm về Dự thảo Luật Giá (sửa đổi), những phân vân về việc có nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu tiếp tục được các đại biểu đưa ra.

m
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà)

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) đặt vấn đề vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng, dầu ở đâu khi từ đầu tháng 10 vừa qua tình trạng đứt gãy nguồn cung khan hiếm xăng, dầu xảy ra trên diện rộng, không hiếm gặp hình ảnh các cây xăng đóng cửa hay người dân xếp hàng dài chờ đến lượt mua.

“Liệu có nên duy trì quỹ này nữa hay không? Có nên chăng đã đến lúc phải thay đổi cơ chế Quỹ bình ổn giá bằng các công cụ điều tiết giá khác hiệu quả hơn để giá cả hàng hóa vận hành theo quy luật của thị trường. Vấn đề này cần được liên Bộ Tài chính – Bộ Công thương cân nhắc một cách thận trọng hơn. Vì vậy, tôi cho rằng việc quy định lập Quỹ bình ổn giá thành một điều luật riêng tại dự thảo Điều 22 là không phù hợp”, Đại biểu Thịnh kiến nghị.

Đại biểu Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) một mặt cho rằng, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá đã hạn chế tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống của Nhân dân, tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay và một số năm tới thì việc bình ổn giá xăng dầu thông qua điều hòa, kiểm soát cung, cầu còn khó khăn nên trước mắt tôi thống nhất giữa Quỹ bình ổn giá như dự thảo, song cần quy định rõ là chỉ là lập đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, còn không lập Quỹ bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ khác.

“Đồng thời, cần có quy định cụ thể về việc công khai, minh bạch việc trích và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu để đảm bảo việc thực thi trong luật này”, đại biểu đề xuất.