Theo lý giải của Bộ Công thương, quy trình nhập khẩu mặt hàng thịt lợn hiện nay được thực hiện qua 5 bước.

Trước khi nhập khẩu, doanh nghiệp gửi Đơn xin đăng ký kiểm dịch thịt lợn nhập khẩu đến Bộ NN&PTNT (Cục Thú y). Trên cơ sở đơn đăng ký của doanh nghiệp, Cục Thú y có văn bản cho phép doanh nghiệp được kiểm dịch lượng hàng nhập khẩu, cụ thể nêu rõ: loại hàng, số lượng cho phép kiểm dịch nhập khẩu, cửa nhập khẩu, tên doanh nghiệp xuất khẩu, nhà máy sản xuất, thời gian giao hàng, mục đích sử dụng và chỉ định rõ tên Chi cục Thú y vùng làm thủ tục kiểm dịch động vật nhập khẩu…

Tiếp đó doanh nghiệp sẽ xuất trình văn bản cho phép của Cục Thú y đến Chi cục Thú y chỉ định để thực hiện thủ tục kiểm dịch động vật nhập khẩu. Chi cục Thú ý vùng cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu.

Sau đó, doanh nghiệp mang Giấy chứng nhận kiểm dịch đã được cấp tới cơ quan hải quan để làm các thủ tục thông quan nhập khẩu.

Cũng theo Bộ Công thương, để bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn, ngoài việc đẩy nhanh tái đàn, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT triển khai việc nhập khẩu thịt lợn tại nhiều văn bản cụ thể gần đây.

Thống kê của Tổng cục Hải Quan từ ngày 01/01/2020 đến ngày 13/04/2020, lượng nhập khẩu mặt hàng thịt lợn các loại là 45.370 tấn. Trong đó,quý I/2020 là 40.180 tấn và từ ngày 01/4/2020 đến ngày 13/4/2020 là: 5.190 tấn, đến từ các nước Canada, Brazil, Đức, Ba Lan, Hoa Kỳ, Nga.

Đó là văn bản số 11451/VPCP-KTTH (ngày 17/12/2019), theo đó Phó thủ tướng – Trưởng ban chỉ đạo Điều hành giá giao “Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô”.

Tại văn bản 212/TB-VPCP (ngày 25/12/2019), Phó thủ tướng – Trưởng ban chỉ đạo Điều hành giá giao “ Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp cùng Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các hiệp hội, doanh nghiệp nhập khẩu liên quan trước mắt triển khai ngay các giải pháp bảo đảm nguồn cung thịt lợn, trong đó nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt lợn trong quý I/2020”.

Sau đó, tại văn bản số 35/TB-VPCP (ngày 2/2/2020), Phó thủ tướng – Trưởng ban chỉ đạo Điều hành giá giao “Bộ NN&PTNT tiếp tục chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan và doanh nghiệp thực hiện chủ trương nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt lợn thành phẩm trong quý I/2020 để góp phần ổn định nguồn cung ngay trong những tháng sau Tết”.

Tại văn bản 132/TB-VPCP (ngày 29/3/2020), Thủ tướng Chính phủ cũng “giao Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan triển khai nhập khẩu mặt hàng thịt lợn ngay trong tháng 4/2020, đảm bảo tổng số lượng nhập khẩu theo chủ trương khoảng 100.000 tấn”.

Đến những ngày đầu tháng 3/2020, giá thịt lợn tại một số tỉnh miền Bắc có xu hướng tăng cao bất thường, có địa phương giá lợn hơi ở mức 95.000 đồng/kg chạm với mức đỉnh của tháng 12/2019.
Tại cuộc họp với các doanh nghiệp chăn nuôi lợn ngày 30/3/2020 ở trụ sở Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã kêu gọi các doanh nghiệp sớm giảm giá thịt lợn, trước mắt từ ngày 01/4/2020 đồng loạt giảm giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg và tiến tới giá thấp hơn ở mức phù hợp khi sản lượng đạt mức cao như trước khi xảy ra dịch vào những quý cuối năm 2020.
Từ ngày 01/4/2020 đến ngày 07/4/2020 giá lợn hơi tại cửa chuồng đã giảm xuống 73.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ ngày 8/4/2020, giá lợn hơi tại có xu hướng tăng trở lại ở mức 76.000 – 78.000 đồng/kg tại cửa chuồng.