8 tháng năm 2022, IIP ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,5%).
8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Công thương vừa có báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022 với nhiều chỉ số tích cực về sản xuất công nghiệp tiếp tục được khôi phục ở hầu hết các ngành trọng điểm.

Chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2022 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất đồ uống tăng 26,8%; sản xuất trang phục tăng 22,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,5%; sản xuất thiết bị điện và sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu cùng tăng 17,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 14,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11,3%;

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 16,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 14,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11%; ngành khai khoáng tăng 10,2%.

Một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn có tốc độ tăng chỉ số IIP tháng 8/2022 khá so với tháng trước, như: Bắc Ninh tăng 20%; Hải Phòng tăng 7,5%; Bắc Giang tăng 4,5%; Quảng Ngãi tăng 4,4%; Quảng Ninh tăng 4,3%; Vĩnh Phúc tăng 4,2%; Tiền Giang tăng 4,2%; Thái Nguyên tăng 4,1%…

Tính chung 8 tháng năm 2022, IIP ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng khi tăng 10,4% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7%), đóng góp 8,1% vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,8%, đóng góp 0,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,8%, đóng góp 0,1%; ngành khai khoáng tăng 4,2%, đóng góp 0,6% trong mức tăng chung.

Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng các năm từ 2018-2022 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 10,8%; 9,5%; 2,2%; 5,5%; 9,4%.

Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, thời gian qua, việc Trung Quốc thực hiện các chính sách chống dịch ngặt nghèo đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc cung ứng nguyên phụ liệu cho một số ngành công nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã tìm nhiều giải pháp để gia tăng nguồn cung ứng trong nước, không để gián đoạn sản xuất.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã có dự phòng nguyên vật liệu, đáp ứng được phần nào nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Điều này thể hiện ở chỉ số sản xuất các ngành lẫn kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng khá.

Trong thời gian tới, hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại sẽ có những thuận lợi, khó khăn và thách thức từ tác động của bối cảnh quốc tế và trong nước.

Trên thế giới, lạm phát cao kỷ lục ở hầu hết các quốc gia, ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế, làm giảm sức cầu hàng hóa và ảnh hưởng đến đầu tư mới; việc gián đoạn chuỗi cung ứng dự báo sẽ còn tiếp diễn, làm giảm đà phục hồi các hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại hậu Covid-19…

Bối cảnh trong nước vẫn còn nhiều tiềm ẩn những yếu tố tác động  bất lợi đến tăng trưởng sản xuất và thương mại như: đồng USD tăng sẽ tác động bất lợi đến nhập khẩu do hiện nay V iệt Nam nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu; Chuỗi cung ứng vẫn nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu; Giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mặc dù đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao.

Thời gian tới, Bộ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các địa phương phối hợp với Bộ làm việc và theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm để nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu.