Theo ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, đến nay Bộ Công Thương đã thống nhất giá tạm thời của 8 nhà máy điện gió, mặt trời được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các chủ đầu tư đàm phán với nhau. Trên cơ sở đó, khi các chủ đầu tư đáp ứng đầy đủ quy định thì sẽ huy động lên lưới. Giá tạm thời chỉ là một yếu tố để đáp ứng tiêu chí về huy động nguồn điện lên lưới.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, mức giá tạm tính này bằng 50% khung giá phát điện được Bộ Công thương ban hành tại quyết định 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023. Ngoài ra, các chủ đầu tư cũng mới chỉ chấp nhận việc giá tạm tới ngày 31/12/2023.

Hiện cũng có xu hướng chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp ồ ạt gửi hồ sơ tới để đàm phán với phía EVN.

Trước đó, tính tới ngày 12/5, EVN cũng đã nhận được công văn đề nghị của 31 dự án có đính kèm hồ sơ tài liệu. Tiếp đó đã làm việc với 15 chủ đầu tư dự án điện, trong đó có 12/15 chủ đầu tư thống nhất tính toán giá điện theo phương pháp chiết khấu dòng tiền tương tự theo hướng dẫn tại Thông tư số 57/2020/TT-BCT ngày 31/12/2020 của Bộ Công thương và ý kiến của Công ty Mua bán điện. Các thông số đầu vào tính toán giá điện của các dự án này cũng đang được tiếp tục đàm phán.

Cũng có 11 dự án được chủ đầu tư gửi hồ sơ, nhưng chưa đầy đủ và cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến pháp lý. Vì vậy, đã được phía EVN đề nghị bổ sung, làm rõ và 5 dự án mới tiếp nhận hồ sơ và đang tiến hành rà soát.

Theo thống kê, tới ngày 12/5, đã có 13/31 đề xuất về việc áp dụng giá tạm trong thời gian các bên đàm phán giá chính thức để báo cáo Bộ Công thương xem xét quyết định căn cứ khoản 2 Điều 26 Nghị định 137.

Cụ thể, có 10 dự án gồm Nam Bình 1, Viên An, Số 5 Thạnh Hải 2, Số 5 Thạnh Hải 3, Số 5 Thạnh Hải 4, Hướng Hiệp 1, Hưng Hải Gia Lai, Hanbaram, Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3 đề nghị giá tạm tính bằng giá 50% giá trần của khung giá phát theo Quyết định 21/QĐ-BCT của Bộ Công thương và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm đến khi giá điện chính thức được hai Bên ký kết và thực hiện.

Có 2 dự án là VPL Bến Tre, Tân Phú Đông 1 đề nghị giá tạm tính bằng giá 90% giá trần của khung giá phát theo Quyết định 21/QĐ-BCT của Bộ Công Thương và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm đến khi giá điện chính thức được hai Bên ký kết và thực hiện.

Có 4 dự án gồm Hòa Đông 2, Lạc Hòa 2, Yang Trung, Chơ Long đã đề nghị giá tạm tính theo 02 phương là bằng giá 50% giá trần của khung giá phát và đề nghị hồi tố sau khi có giá điện chính thức hoặc giá tạm tính bằng 90% giá trần của khung giá phát điện và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm.

Cũng theo thống kê của EVN, số lượng các dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời có thể thuộc đối tượng chuyển tiếp theo quy định của Thông tư 15/2022/TT-BCT ngày 03/10/2022 là 85 nhà máy. với tổng công suất 4.736 MW.

Ngày 18/5, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp liên quan đến đàm phán giá bán điện với các Dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng xong chưa được vận hành.
Phó thủ tướng khẳng định, trong thời gian vừa qua, nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được đầu tư, đưa vào sử dụng, bổ sung nguồn điện quan trọng để góp phần thực hiện mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế xã hội đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cho thấy có nhiều dự án đã được doanh nghiệp đầu tư nhưng chưa được đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Để khắc phục tình trạng này, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương sửa đổi Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3/10/2022 về phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 quy định về khung giá cho các dự án này. Việc sửa đổi các quy định trên thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục và quy định.
Trong thời gian chưa có quy định cụ thể về phương pháp định giá, đàm phán giá và có văn bản hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính, đàm phán giá điện với các dự án.
Ngoài ra, Bộ Công thương cần nghiên cứu thêm phương pháp tính toán giá, thực hiện kiểm toán độc lập, thống nhất mức lợi nhuận có thể chấp nhận, đảm bảo động lực đầu tư cho doanh nghiệp.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo các cơ quan đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án đã hoàn thành.
Đáng chú ý, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đối với các dự án hoàn thành việc đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định, Bộ Công thương cần khẩn trương có văn bản trước ngày 20/5 để chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư với mức giá tạm thời, cho vận hành phát điện lên lưới. Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện.
Đối với các dự án chưa đủ điều kiện vận hành, còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương và các địa phương nơi có dự án điện chuyển tiếp khẩn trương hướng dẫn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục hồ sơ theo quy định.
Còn với các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng đã hết kỳ quy hoạch, Phó thủ tướng cũng giao Bộ Công thương có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp và địa phương nơicó dự án thực hiện đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội và các quy định có liên quan khác.
Đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn truơng có văn bản trước ngày 25/5 để hướng dẫn UBND các địa phương xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án chuyển tiếp có thờigian thực hiện quá 24 tháng so với thời hạn được quy định tại giấy chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu theo đúng quy định.