Bình Thuận hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển một nền kinh tế tổng hợp, gồm nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp, năng lượng, du lịch

Chú trọng phát triển du lịch, khai thác dầu khí, thủy sản, năng lượng tái tạo… đang từng bước đưa Bình Thuận trở thành cực phát triển mới của khu vực Nam Trung Bộ.

Sức hút khó cưỡng

Sở hữu bờ biển dài và đẹp, lại liền kề Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng với nguồn tài nguyên đa dạng, nên Bình Thuận là địa phương có sức cạnh tranh cao trong thu hút đầu tư. Qua các sự kiện xúc tiến đầu tư mang tầm quốc gia, Bình Thuận đã mời gọi được nhiều dự án quy mô nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cũng như góp phần tạo đà phát triển tương xứng cho địa phương.

Các nhà đầu tư đều có chung đánh giá, Bình Thuận sở hữu nhiều tiềm năng mà hiếm địa phương nào có được.

Thứ nhất là tiềm năng về gió. Bình Thuận có số giờ gió lẫn bức xạ nhiệt cao và ổn định, rất thuận lợi để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Thứ hai là tiềm năng về đất, khi diện tích còn khá rộng với hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư nối mạng phủ kín, có khả năng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao.

Thứ ba là tiềm năng về du lịch. Bình Thuận sở hữu Mũi Né – điểm du lịch đẳng cấp quốc tế với diện tích khoảng 14.760 ha, trải dài ven biển từ xã Hòa Phú (huyện Tuy Phong) đến phường Phú Hài (TP. Phan Thiết). Đây là cơ sở để tỉnh tập trung quảng bá hình ảnh, xúc tiến thu hút đầu tư phát triển du lịch tương xứng tiềm năng, đảm bảo chất lượng và hiệu quả theo hướng tăng trưởng xanh…

Bình Thuận còn rất thuận lợi về giao thông. Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn qua địa phận tỉnh sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng; Cảng quốc tế Vĩnh Tân tiếp tục phát huy hiệu quả đầu tư sẽ tạo động lực phát triển hệ thống dịch vụ logistics nhằm kết nối và lưu thông hàng hóa cho cả đường bộ – đường biển – đường sắt.

Đây cũng là một trong những tỉnh thuộc diện “hiếm” khi có tới 9 khu công nghiệp được Chính phủ đồng ý chủ trương quy hoạch phát triển với tổng diện tích hơn 3.000 ha. Đến nay, 6 khu công nghiệp đang hoàn chỉnh hạ tầng, thu hút nhiều dự án thứ cấp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 và Khu công nghiệp Tân Đức cũng đã được khởi công xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện cho Bình Thuận đón thêm những dự án đầu tư mới tại phía Nam tỉnh.

Tại 2 sự kiện xúc tiến đầu tư vào địa phương được UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức vào năm 2017 và 2019, tỉnh đã chấp thuận chủ trương 29 dự án với tổng mức đầu tư 55.040 tỷ đồng và ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư 33 dự án, tổng vốn trên 517.778 tỷ đồng.

Sức hút từ tiềm năng, lợi thế của Bình Thuận đã thuyết phục các nhà đầu tư đưa dự án quy mô lớn về địa phương. Không chỉ kêu gọi, mà tỉnh còn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai dự án.

Tập đoàn Thái Bình Dương – đơn vị đầu tư Dự án Nhà máy điện gió Thái Hòa (huyện Bắc Bình, Bình Thuận), tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng cho biết, các sở, ban, ngành ở địa phương đã hỗ trợ dự án rất nhiệt tình. Nhờ đó, dù khởi công trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhưng Dự án Nhà máy điện gió Thái Hòa vẫn hoàn thành phát điện thương mại cho toàn bộ 18 tua-bin trước thời hạn 31/10/2021 theo quy định của Chính phủ.

Để đáp lại thịnh tình của địa phương, nhiều nhà đầu tư còn giúp Bình Thuận thực hiện những nghiên cứu, đánh giá để có hướng phát triển hợp lý. Chẳng hạn, Tập đoàn Novaland đã tài trợ McKinsey – đơn vị tư vấn hàng đầu trên thế giới thực hiện nghiên cứu, đề xuất chiến lược phát triển du lịch Bình Thuận.

Bình Thuận đang kêu gọi thu hút đầu tư trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 43 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 15.008 tỷ đồng. Luỹ kế đến nay có 1.604 dự án đã được cấp phép đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 331.843 tỷ đồng.

Kỳ vọng bứt tốc

Với tiềm năng và lợi thế của mình, Bình Thuận định hướng phát triển kinh tế dựa vào 3 trụ cột chính: công nghiệp (năng lượng, chế biến), du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thời gian qua, tỉnh còn được Trung ương định hướng thu hút đầu tư hình thành trung tâm du lịch – thể thao biển, trung tâm năng lượng, trung tâm chế biến sâu khoáng sản titan…

PGS-TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế nhận định, trong thời đại hiện nay, mô thức tư duy kinh tế mới đã thay đổi, những “nắng, gió, cát trắng” từ bất lợi đã bất ngờ “đảo chiều”, chuyển thành lợi thế cho phát triển kinh tế, đặc biệt với các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, du lịch nghỉ dưỡng – sân golf.

Nhận định trên của ông Thiên là hoàn toàn chính xác. Vị chuyên gia kinh tế này đã từng nhiều lần nhắc lại vấn đề khi nhấn mạnh cơ hội phát triển của các địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, đặc biệt là Bình Thuận – mảnh đất được đánh giá là “trung tâm resort”.

Bình Thuận có lợi thế về quỹ đất rộng lớn, sở hữu đường bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp, những đồi cát trắng, cát vàng óng ánh, cảnh quan sông núi hoang sơ, khí hậu trong lành. Tỉnh còn có một lợi thế lớn khác là vị trí tiếp giáp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nên sẽ được thừa hưởng những điều kiện phát triển kinh tế không nhỏ từ khu vực này.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong, Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV) là cơ sở để tỉnh tập trung xúc tiến kêu gọi đầu tư theo định hướng, tiếp tục khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của địa phương trong giai đoạn  tới.

Cũng theo ông Phong, Bình Thuận thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển tỉnh thành một điểm đến hấp dẫn, tạo ra các địa điểm vui chơi, giải trí phục vụ ngành du lịch để du khách đến tỉnh tăng thời gian lưu trú và tăng chi tiêu. Theo đó, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là có tiềm lực tài chính mạnh, có khả năng đầu tư dự án mang tính đột phá.

Với định hướng đó, Bình Thuận đã mời gọi nhiều nhà đầu tư lớn như Vingroup, Novaland, Apec Group, Hưng Lộc Phát, Rạng Đông… Trong đó, khu vực Mũi Né – Phan Thiết đang là tâm điểm với những dự án nghỉ dưỡng lớn được xây dựng như Ocean Dunes, APEC Mandala Wyndham Mũi Né, Mũi Né Summerland Resort… Đặc biệt, ở đây có Tổ hợp dự án NovaWorld Phan Thiet của Tập đoàn Novaland với quy mô 1.000 ha.

Nhằm tiếp tục thu hút “sếu đầu đàn”, tỉnh sẽ tận dụng các nguồn lực ưu tiên đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm mang tính kết nối. Trong đó, điểm nhấn là tuyến cao tốc Bắc – Nam đi qua tỉnh (Phan Thiết – Dầu Giây, Phan Thiết – Vĩnh Hảo) và Dự án Nâng cấp, mở rộng sân bay Phan Thiết. Đây sẽ là động lực tăng trưởng cho địa phương.