.
Giải pháp giảm thuế được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao.

Ngày 15/5 Chính phủ đã có tờ trình mới về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Tờ trình nêu rõ, thực tế cho thấy, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí nói chung và giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) nói riêng có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao, qua đó góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế trong thời gian qua.

Do vậy, năm 2023, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% quy định tại điểm a khoản 1.1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Cụ thể là giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trước đó, tại phiên họp thứ 23 (tháng 52023) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%). Tức là áp dụng cả đối với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, khai khoáng, viễn thông, công nghệ thông tin,…

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra (Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội) cho rằng hồ sơ trình của Chính phủ không giải trình rõ lý do đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng đối với một số ngành, lĩnh vực lớn. Báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện giảm thuế GTGT năm 2022 cũng chỉ đề cập đến một số lý do vướng mắc về kỹ thuật như cách xác định hàng hoá, thời điểm lập hoá đơn, mô tả hàng hoá,… trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15. Về cơ bản, các vướng mắc này cũng đã được xử lý trong quá trình thực hiện.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không tán thành rộng phạm vi cả đối với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, khai khoáng, viễn thông, công nghệ thông tin… mà chỉ thực hiện như quy định tại quyết số 43/2022/QH15.

Tờ trình mới đã tiếp thu ý kiến này.

Thực hiện theo phương án như tờ trình được Chính phủ giải thích là nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế.

Đánh giá tác động, Chính phủ cho biết, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 44,5 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng áp dụng, giảm trung bình một tháng khoảng 4 nghìn tỷ đồng.

Với giải pháp giảm thuế GTGT cho các đối tượng như đã được thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm nay thì dự kiến số giảm thu NSNN tương đương khoảng 24 nghìn tỷ đồng (đối với thu NSNN năm 2023 thì dự kiến giảm 20 nghìn tỷ đồng do số thu thuế GTGT phải nộp của tháng 12/2023 nộp trong tháng 1/2024).

Nhưng, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.

Chính phủ khẳng định người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Việc có đồng ý giảm thuế GTGT như đề xuất của Chính phủ hay không sẽ được Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ 5, khai mạc ngày 22/5 tới.