Trong hơn hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã mang lại những thách thức chưa từng có, tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội và khiến cho tiêu dùng điện giảm mạnh. Tuy nhiên, ngay khi dịch bệnh được khống chế, nền kinh tế có những dấu hiệu hồi phục và tăng tốc, thì nhu cầu tiêu thụ điện tại một số nơi cũng đã có sự hồi phục và tăng trưởng như năm 2019, thời điểm ngay trước đại dịch.

Trước thực tế này, việc cấp điện cho nền kinh tế theo phương châm “điện đi trước một bước, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế một cách ổn định, an toàn với giá cả hợp lý” cũng đang là một thách thức không nhỏ, khi hàng loạt dự án nguồn điện lớn dù có trong quy hoạch, đã được cấp chủ trương đầu tư nhưng vẫn khó triển khai trên thực địa.

Câu chuyện dự án điện khí LNG Bạc Liêu gửi kiến nghị tới Chính phủ đề nghị tháo gỡ 12 vấn đề liên quan các bộ, ngành chức năng để có thể gỡ khó trong quá trình đàm phán nhằm triển khai dự án điện trên thực địa cho thấy, rất cần sự vào cuộc nhanh và quyết liệt của các cơ quan hữu trách, bởi, những vướng mắc như vậy có lẽ không phải là câu chuyện của riêng dự án điện khí LNG Bạc Liêu.

Với các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, thời gian hưởng mức giá ưu đãi tại các quyết định 13/2020/QĐ-TTg, 39/2018/QĐ-TTg đã hết, tới nay đã hơn 1 năm trôi qua nhưng chưa có chính sách mới rõ ràng cho điện mặt trời.

Tương tự, các dự án điện gió cũng chấm dứt hưởng giá ưu đãi từ ngày 1/11/2021, tới nay vẫn chưa có các chính sách kế tiếp được chính thức đưa ra.

Theo các tính toán mới nhất của ngành điện, với kịch bản tăng trưởng phụ tải điện cơ sở, để đảm bảo điện cho phát triển kinh tế với tăng trưởng GDP từ 6,5-7% theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, dự báo nhu cầu điện tăng trưởng là khoảng 9%/năm.

Ở mức cao hơn, tăng trưởng nhu cầu điện năm 2022 có thể lên tới  11,5% và các năm 2023-2025 bình quân 10,36%/năm.

Ở chiều ngược lại, việc đảm bảo cung ứng điện thời gian tới cũng không thực sự lạc quan.

Với thực tế tăng trưởng phụ tải đỉnh hàng năm vẫn ở mức khoảng 4.000 MW cho dù phải đối mặt với dịch bệnh, suy giảm hoạt động của nhiều ngành kinh tế, việc lo nguồn để đáp ứng yêu cầu “điện đi trước một bước” ngày càng trở nên cấp bách.

Đó là bởi vì các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hàng năm trong giai đoạn 2022-2025 được tính toán luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải.

Điều này khiến cho việc đảm bảo cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh ở miền Bắc vào các tháng 5-7 là thời điểm nắng nóng cuối mùa khô, công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm.

Việc hỗ trợ cấp điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc cũng bị giới hạn bởi năng lực truyền tải đường dây 500 kV Bắc – Trung.

Ngay cả đối với khu vực miền Trung, miền Nam – nơi hiện đang cơ bản đáp ứng cung ứng điện trong cả giai đoạn 2022-2025 nhưng vẫn được cảnh báo tiềm ẩn khó khăn trong trường hợp nhu cầu điện tăng trưởng theo kịch bản cao và/hoặc các nguồn điện lớn bị chậm tiến độ.

Trước thực trạng này, nhận rõ các thách thức trong quá trình đầu tư nguồn điện theo tinh thần “nói thẳng, nói thật, nói hết”, không né tránh, không đổ lỗi đã được Thủ tướng Chính phủ nhắc tới trong cuộc họp về tình hình cung ứng điện ngày 3/4 vừa qua.

Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130 GW, sản lượng điện khoảng 550-600 tỷ kWh.

Để đạt mục tiêu này, ngành điện cần lượng vốn đầu tư rất lớn, trong khiđó, dòng vốn nội sinh của nền kinh tế chưa thể đáp ứng yêu cầu, cơ chế giá điện cần đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành điện gặp một số vướng mắc về chuyển đổi ngoại tệ, rủi ro tỷ giá…

Nhằm đánh giá cụ thể thực trạng đầu tư ngành điện, dự báo những thách thức trong cân đối cung – cầu nguồn điện, những bất cập trong hoạt động đầu tư, qua đó tìm lối ra cho cơ chế giá điện, thúc đẩy giải ngân dòng vốn, Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo với chủ đề “Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện”.

Hội thảo diễn ra sáng 8/4/2022 tại Trụ sở Báo Đầu tư, 47 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội; sẽ được phát trực tiếp trên các nền tảng của Báo Đầu tư, gồm Báo điện tử Đầu tư, fanpage của Báo Đầu tư và Tinnhanhchungkhoan.vn.

Quý nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể đăng ký tham dự Hội thảo tại phần bình luận của bài viết này.

Chương trình dự kiến của Hội thảo:
Phiên 1: Nhu cầu điện cho nền kinh tế đang phục hồi

Các diễn giả sẽ đánh giá nhu cầu điện cho nền kinh tế đang phục hồi sẽ thảo luận về vai trò chủ động của năng lượng trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư cũng như các yêu cầu mới đặt ra trong quá trình phát triển nguồn điện theo các mục tiêu được đưa ra tại Hội nghị COP26.

Cùng tham gia thảo luận tại Phiên 1 có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công thương); ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Trung, Phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia và ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh.

Phiên 2: Khơi thông dòng vốn hàng tỷ USD đang muốn đổ bộ vào ngành điện.

Các diễn giả cùng đánh giá thực trạng đầu tư của nhiều dự án nguồn điện, những bất cập của hệ thống truyền tải trước sự lớn mạnh quá nhanh về nguồn điện hay vai trò giá điện trong thu hút đầu tư vào ngành điện, gợi mở, tìm lối ra cho cơ chế giá điện.

Trong phiên này, cùng các diễn giả đến từ những đơn vị đang có các dự án nguồn điện lớn như Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn T&T Group, Trung Nam Group còn có PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc và đại diện một số cơ quan chức năng.