Báo chí luôn phản ánh nhanh nhạy mọi hoạt động kinh tế – xã hội

Xin lạm bàn về tác dụng cần phát huy và phản tác dụng của báo chí cần tránh.

Báo chí được coi là phương tiện thông tin đại chúng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Nếu trước đây, thông tin đã có vai trò quan trọng như vậy, thì trong cơ chế thị trường, trong thời đại cách mạng 4.0, kinh tế số, thì thông tin càng có vai trò quan trọng gấp bội.

Nếu trước đây, lực lượng sản xuất được hiểu theo nghĩa hẹp chỉ bao gồm lao động, tài nguyên thiên nhiên, vật tư, tiền vốn, còn thông tin chưa được coi là lực lượng sản xuất trực tiếp, thì nay, vai trò của thông tin quan trọng hơn nhiều. Vai trò này đã được thừa nhận là lực lượng sản xuất trực tiếp, bởi ai nắm được thông tin sớm hơn, chính xác hơn, đầy đủ hơn, thì người đó sẽ giành chiến thắng trên thương trường và các lĩnh vực hoạt động. Trong nền kinh tế số, thông tin càng có ý nghĩa trực tiếp, đầy đủ và nhanh nhạy hơn.

Thông tin có nhiều nguồn, từ các cơ quan thống kê do ngành thống kê cung cấp, do báo chí (cả báo viết, báo mạng, báo hình, báo nói…), mạng xã hội… cung cấp, nhưng báo chí vẫn là thông tin đại chúng nhất. Tuy nhiên, thông tin của báo chí phải là thông tin trung thực, đối lập hoàn toàn với tin đồn thất thiệt.

Thông tin có nhiều nguồn, từ các cơ quan thống kê do ngành thống kê cung cấp, do báo chí (cả báo viết, báo mạng, báo hình, báo nói…), mạng xã hội… cung cấp, nhưng báo chí vẫn là thông tin đại chúng nhất.

Trong cơ chế thị trường, tin đồn thất thiệt thường xảy ra thường xuyên; nó lại được “cộng hưởng” với việc đầu tư theo phong trào, tâm lý đầu tư bầy đàn. Đi theo sự “cộng hưởng” này thường là sự hốt hoảng thái quá (hoảng loạn). Chỉ trong mấy năm, thị trường chứng khoán Việt Nam được các nhà đầu tư nhỏ lẻ đưa lên tận mây xanh (vượt đỉnh 1.500 điểm). Báo chí cảnh báo khi nhắc tới truyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, hay cảnh báo “chứng khoán đã vượt qua “đỉnh” sang dốc bên kia”.

Với thị trường vàng, nếu chỉ thông tin diễn biến và dự báo giá vàng một cách đơn thuần và thái quá, như đưa ra mức tăng lên tới 85-100 triệu đồng/lượng, thì sẽ lại có tác động ngược: càng làm cho giá vàng tăng lên.

Tuy nhiên, thực tế, báo chí đã góp phần ngăn chặn sự tác động hoảng hốt thái quá đó, góp phần làm cho thị trường chứng khoán, giá vàng dần dần ổn định trở lại.

Thông tin trung thực thì không thể “tô hồng”, “minh họa”, hoặc “bôi đen”.

Có người nói, “tô hồng” cũng có tác dụng động viên, tạo tâm lý lạc quan, nhưng gây ảo tưởng, chủ quan, thậm chí là kiêu ngạo, thậm chí còn gây hại cho nhiều nhà đầu tư theo, cho sự nghiệp chung.

Có người nói “minh họa” cũng có tác dụng chứng minh bằng con số, làm vững chắc hơn các kết luận, đánh giá của lãnh đạo, nhưng nếu đó là tư tưởng thành tích, thì không chỉ vô bổ, mà còn nguy hiểm nữa.

Có người nói “bôi đen”, về mặt nào đó, cũng có tác dụng cảnh báo, nhưng “bôi đen” làm nhụt chí, thậm chí làm thui chột quyết tâm của các nhà đầu tư chân chính.

Báo chí là một trong những công cụ để tuyên truyền đường lối, chính sách và những giải pháp của Đảng và Nhà nước, tạo ra sự đồng thuận xã hội, tạo thêm sức mạnh cho đường lối, chính sách, giải pháp đúng đắn. Tuy nhiên, ở một chiều hướng khác, báo chí cần cảnh báo, phản biện xã hội ở tầm cao hơn, giúp hoàn thiện đường lối, chính sách và đưa ra giải pháp phù hợp.

Có thể có rất nhiều ví dụ về sự phản biện từ thực tế này. Trước đây, nhờ việc phản ánh thực tế, phản biện chính sách, góp phần đổi mới, tạo ra sự thần kỳ trong phát triển nông nghiệp, thoát khỏi khủng hoảng, chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần chuyển từ nhóm nước thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình; đang phấn đấu để thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp, nước phát triển.

Hiện nay, báo chí đang thông tin, phản biện về tái cơ cấu nền kinh tế; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, số lượng sang chiều sâu, chất lượng. Những chỉ tiêu được báo chí tập trung phản biện là hiệu quả đầu tư (với hệ số ICOR), năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).

Đứng trước diễn biến tình hình kinh tế hiện nay, báo chí đề cập việc chống các nguy cơ “tụt hậu xa hơn”, “sập bẫy thu nhập trung bình”, “chưa giàu đã già”…

Báo chí hiện nay cũng đưa tin kịp thời về phòng chống dịch, đồng thời cảnh báo về nhiều vấn đề, như nguy cơ lạm phát, nhất là “nhập khẩu lạm phát”. Cơ cấu kinh tế cũng được cảnh báo, như về công nghiệp hỗ trợ còn yếu, tính gia công lắp ráp còn lớn. Báo chí đã cảnh báo về nợ xấu, tiềm ẩn nợ xấu; về sự vào/ra thị trường của doanh nghiệp, sức khỏe doanh nghiệp; về giá vàng…