TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Trong thời đại công nghệ – thông tin bùng nổ như hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, báo in đang phải dần nhường chỗ cho báo mạng, thông tin mạng. Vì sao ông vẫn cho rằng cần phải đọc báo in?

Công nghệ thông tin đang chuyển dần từ 4G sang 5G, rồi sẽ là 6G và hơn nữa, tạo điều kiện cho mọi người ở bất cứ nơi đâu đều có thể tiếp cận thông tin, tri thức, văn hóa… Nhưng cả báo giấy, báo điện tử, mạng xã hội, tạp chí, truyền hình, phát thanh vẫn sẽ tồn tại, bổ sung cho nhau, không triệt tiêu nhau, vì mỗi loại hình đều có thế mạnh riêng.

Tôi cho rằng, trong xã hội thông tin tràn ngập như ngày nay, tin tốt có, tin xấu có, tích cực có, tiêu cực có, thậm chí thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, bịa đặt cũng rất nhiều, nên có thể đọc báo in để “làm giàu” tốt hơn. “Giàu” ở đây không nên hiểu là chỉ giàu về vật chất, mà là giàu trí tuệ, văn hóa. Đọc tạp chí để làm nghề tốt hơn, đọc sách để làm người tốt hơn, đọc báo mạng để hiểu xã hội tốt hơn, đa chiều hơn, từ đó thực thi trách nhiệm của mình với gia đình, cộng đồng, xã hội và công việc tốt hơn.

Báo mạng nói riêng, thông tin trên mạng xã hội nói chung có những lợi thế mà các loại hình báo chí truyền thống không có được. Đó là kịp thời, lan tỏa rộng, tương tác ngay lập tức với độc giả. Khi có một sự việc xảy ra, thông tin lập tức được đăng tải trên mạng Internet sẽ có hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người đọc phản ứng trước cái xấu, hành vi chưa đẹp; đồng cảm, khâm phục trước gương người tốt, việc tốt, hành vi cao cả đã và đang tạo dựng nên một xã hội tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.

Cũng như hầu hết ngành nghề trong xã hội, báo chí Việt Nam vừa trải qua 2 năm đầy khó khăn do đại dịch Covid-19. Ông đánh giá thế nào về nền báo chí Việt Nam trong giai đoạn vừa qua?

Gặp rất nhiều thách thức do Covid-19, nhưng hoạt động báo chí vẫn rất vững vàng, không cơ quan nào phải đóng cửa, mặc dù doanh thu của tòa soạn, thu nhập của người làm báo giảm đáng kể.

Trong bối cảnh khó khăn chưa từng thấy, báo chí Việt Nam vẫn phát triển rất nhanh, hội nhập rất tốt, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc, không đúng sự thật rất hiệu quả; tuyên truyền người tốt, việc tốt, đặc biệt là hoạt động chống dịch rất kịp thời.

Tôi cho rằng, đạt được thành quả như vậy là do báo chí Việt Nam đang trẻ hóa, chuyên nghiệp hóa, tri thức hóa rất nhanh, đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin trong tác nghiệp, kết hợp giữa nền tảng báo chí truyền thống với công nghệ hiện đại, tận dụng mạng xã hội để cập nhật thông tin nhanh hơn, chính xác hơn, tương tác với độc giả tốt hơn.

Thậm chí, ngay cả trong thời gian giãn cách xã hội, rất nhiều cơ quan báo chí đã tổ chức hàng loạt hội thảo, tọa đàm trực tuyến với nhiều lĩnh vực, chủ đề khác nhau. Có thể nói, trong đại dịch, báo chí không hề co cụm, mà còn “bung ra”, thể hiện trách nhiệm với xã hội, với doanh nghiệp, với nền kinh tế.

Theo ông, còn điểm nào báo chí chưa làm được như kỳ vọng?

Có 2 việc, theo tôi, báo chí hiện nay chưa làm được nhiều, đó là thực hiện chức năng phản biện và giám sát. Để thực hiện được 2 chức năng này, bản thân mỗi nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí phải hội tụ nhiều phẩm chất.

Muốn phản biện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí phải rất sâu về chuyên môn, rất giỏi về nghiệp vụ, nói làm sao phải vừa có lý, vừa có tình, phù hợp với tình hình thực tế khách quan, phù hợp với thực tế Việt Nam, đồng thời không trái với thông lệ quốc tế. Chỉ có như vậy, cơ quan, tổ chức bị phản biện mới “tâm phục, khẩu phục” và muốn được phản biện để xây dựng cơ chế, chính sách tốt hơn. Theo đó, từng nhà báo, từng cơ quan báo chí phải tự trau dồi kiến thức thực tế, chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ…

Chỉ khi nào báo chí nói thay được tiếng nói của dân, khát vọng của dân, mong muốn của dân, báo chí thực sự là của dân, thì mới làm tròn vai trò giám sát.

Còn muốn giám sát, không có cách nào khác, nhà báo phải sát dân, sát với thực tế cuộc sống hàng ngày. Chỉ khi nào báo chí nói thay được tiếng nói của dân, khát vọng của dân, mong muốn của dân, báo chí thực sự là của dân, thì mới làm tròn vai trò giám sát.

Khiếm khuyết lớn nhất của báo chí hiện nay là “nói đúng về những điều đúng”, nhưng chưa có nhiều bài “nói đúng về những điều sai”. Nói đúng về những điều đúng là tốt, nhưng chủ yếu mang tính biểu dương, còn nói đúng về những điều sai mới rút ra được bài học kinh nghiệm để làm cái đúng nhiều hơn. Đó chính là chức năng phản biện, giám sát xã hội của báo chí, là trách nhiệm của báo chí với xã hội luôn được khuyến khích.

Một cơ quan báo chí muốn khẳng định vị thế, chỗ đứng của mình trong “làng báo”, thì phải có nhiều bài giám sát và phản biện. Muốn làm được điều này, lãnh đạo cơ quan báo chí, từng phóng viên, nhà báo luôn phải học, đọc, nghe và đi cơ sở.

Thưa ông, có thể hiểu, hạn chế, khiếm khuyết của một bộ phận nhà báo hiện nay là chuyên môn chưa sâu, nghiệp vụ chưa giỏi và chưa có nhiều thực tế cuộc sống?

Chuyên môn, nghiệp vụ, tri thức, kinh nghiệm thì cần phải có thời gian để trau dồi, tích lũy, nhưng thực tế cuộc sống là sống còn trong tác nghiệp báo chí thì cần phải làm ngay.

Tôi cũng phải nói thật, đọc nhiều bài báo bây giờ cứ na ná nhau, không thấy hơi thở của cuộc sống, chỉ toàn “hơi thở” ở hội nghị, hội thảo. Nếu phóng viên đi thực tế, đi cơ sở, từng trải, “va đập” với cuộc sống, tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp, thì dù viết trong hội thảo, hội nghị cũng sâu sắc, thuyết phục hơn. Đương nhiên, những bài báo có sức sống thì luôn được người đọc đón nhận.

Đồng thời, cần ý thức rõ, nhiệm vụ của mỗi nhà báo, cơ quan báo chí là phải đưa đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với người dân; phản ánh được những bức xúc, vướng mắc của dân với Đảng và chính quyền các cấp; đưa được cái hay, cái đẹp của Việt Nam ra với bạn bè thế giới; đưa được tinh hoa của nhân loại về với Việt Nam; đặc biệt là phải trung thực và hướng thiện. Nếu không làm được những điều này, thì dù có trở thành nhà báo giỏi, có thể viết được những bài bình luận gai góc, thì cũng chỉ là kẻ “bồi bút”, hành nghề chỉ để kiếm tiền và có thể rời bỏ báo chí “trong một nốt nhạc”, nếu họ tìm được nghề khác có thu nhập cao hơn…

Ông có thể chia sẻ thêm về kinh nghiệm bám sát cuộc sống?

Không phải đến khi ra Trung ương, là Bộ trưởng, tôi mới đi nhiều, nghe nhiều, tiếp xúc nhiều, mà ngay khi còn làm lãnh đạo ở địa phương, tôi đã thường xuyên đến tận nơi để nghe dân nói, nhìn dân làm, chứ không chỉ nghe cấp dưới báo cáo lên.

Một lần, tôi đến thăm một hộ gia đình nhận chăm sóc 15 ha rừng để xem hiệu quả ra sao, cuộc sống của họ thế nào. Khi tôi hỏi về công việc, cuộc sống, ông chủ rừng giãi bày: “Những tháng ngày tôi mới lên nhận rừng, buổi trưa gọi chó về cho ăn, con chó ở bên kia quả đồi, tôi nhìn thấy cả chân, cả đuôi, cả đầu, còn bây giờ, ngay cả con trâu ở bên kia quả đồi cũng không nhìn thấy”.

Thế là quá đủ để hiểu hiệu quả của việc giao rừng cho dân chăm sóc và cuộc sống của họ. Dân nói hay lắm, rất hình tượng, không sáo rỗng và toàn những con số khô khan như trong báo cáo. Nhà báo mà không đến tận nơi, “mục sở thị”, thì làm sao có thể viết được những câu dân dã mang đầy đủ nội hàm như thế.

Phóng viên không đi cơ sở, chứng kiến tận mắt thực tế cuộc sống, thì không bao giờ viết được những bài báo có hơi thở cuộc sống, làm sao có thể phản biện và giám sát xã hội khi chỉ ngồi trong hội trường nghe báo cáo.