Bạc Liêu đẩy mạnh chuỗi giá trị tôm và muối

Với những chiến lược phát triển bài bản, Bạc Liêu đặt mục tiêu nâng tầm chuỗi giá trị ngành tôm và muối. Qua đó, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Được mùa mất giá

Huyện Đông Hải được xem là “thủ phủ” muối của tỉnh Bạc Liêu với diện tích 1.259 ha. Sản phẩm muối Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học – Công nghệ công nhận chỉ dẫn địa lý và được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Bạc Liêu đẩy mạnh chuỗi giá trị tôm và muối - Ảnh 1.

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của Bạc Liêu .Ảnh: PHÚC NGUYÊN

Tuy vậy, ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Đông Hải, cho hay nghề làm muối ở địa phương luôn trong tình trạng được mùa mất giá và ngược lại. “Những năm trước, muối trúng mùa thương lái thu mua với giá chỉ 7.000 đồng/giạ (30 kg). Vụ muối vừa rồi do ảnh hưởng mưa trái mùa nên năng suất rất thấp nhưng bù lại bà con bán được giá cao. Hiện muối trắng thu mua tại ruộng có giá 60.000 đồng/giạ, còn muối đen là 47.000 đồng/giạ” – ông Tuấn cho biết.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, diện tích sản xuất muối của tỉnh giảm dần trong những năm gần đây do thu nhập từ sản xuất muối thấp, người dân đã dần chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.

Tương tự, không ít hộ nuôi tôm theo hình thức đại trà ở tỉnh này cũng đang gặp khó do tôm nuôi thường xuyên bị bệnh, chậm lớn và chết trắng.

Theo lý giải của nhiều lão nông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sau thời gian dài canh tác nên độ phù sa trong đất giảm, các mầm bệnh gây hại cho tôm trong đất phát triển mạnh, nguồn nước ô nhiễm và thời tiết diễn biến thất thường… “Chúng tôi mong muốn các ngành chức năng sớm có giải pháp giúp nông dân khắc phục khó khăn, đẩy mạnh liên kết để các sản phẩm người dân làm ra như: tôm, muối… bán được giá cao và ổn định” – lão nông Nguyễn Văn Năm, ngụ huyện Đông Hải, nói.

Gỡ khó cho nông dân

Tại hội thảo khoa học giải pháp phát triển chuỗi giá trị ngành tôm và muối Bạc Liêu do UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào chiều 28-11, thạc sĩ An Văn Khanh, Cục phó Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) đề nghị ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu cần tập trung thực hiện các chính sách đã ban hành về hỗ trợ diêm dân, doanh nghiệp cũng như tăng cường đào tạo hỗ trợ khoa học, kỹ thuật.

“Địa phương cần giải thích cho người dân hiểu khi tham gia các chuỗi liên kết sẽ đạt được những lợi ích gì. Nếu có thể, khi tham dự các hội nghị, lãnh đạo tỉnh nên mang theo những sản phẩm đặc trưng của quê hương để quảng bá, giới thiệu hình ảnh địa phương đến với mọi người – ông Khanh đề xuất.

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, cũng đánh giá chuỗi giá trị ngành tôm, muối Bạc Liêu thời gian qua đã đạt kết quả khá ấn tượng nhưng để đạt được những thành tựu tốt hơn thì tỉnh cần sớm hoàn thiện các quy chế, chính sách và phát triển sâu hơn ngành chế biến.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, chỉ ra khó khăn, thách thức mà người nuôi tôm đang đối mặt chính là môi trường thay đổi. Để nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu tồn tại và phát triển cần phải đẩy mạnh áp dụng khoa học – công nghệ. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng cũng như sự đồng thuận của nhân dân.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan sớm đưa vào sử dụng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển nông nghiệp, trong đó chuỗi giá trị ngành tôm, muối theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, cần thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực để đầu tư hạ tầng vùng nuôi, hệ thống xử lý nước thải tập trung… đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác đối với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao nhằm xây dựng thương hiệu cho con tôm Bạc Liêu.

“Chúng ta phải xây dựng mô hình điểm liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm thật sự có hiệu quả. Phổ biến nhân rộng mô hình liên kết theo chuỗi khép kín ở những nơi có điều kiện; tích cực mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ nguồn lực, uy tín, có đầu ra ổn định để thực hiện liên kết bao tiêu. Đồng thời, phải tăng cường công tác quản lý thị trường, phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra và xử lý kịp thời các hành vi mua bán tôm kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sản xuất và chất lượng nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu” – ông Cận nói.

Để nâng tầm hạt muối, cần đa dạng hóa sản phẩm cũng như đẩy mạnh quảng bá. “Tập trung xây dựng thương hiệu muối Bạc Liêu, sản phẩm du lịch trải nghiệm nghề làm muối, các sản phẩm lưu niệm từ muối; phối hợp, xây dựng và tổ chức lễ hội muối định kỳ hằng năm để thu hút du khách” – lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu thông tin thêm.

Cùng ngày, tại buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo các bộ, ngành trung ương cần khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tỉnh phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế.


Vân Du – Phúc Nguyên