TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin

Các nhà nghiên cứu văn hóa, quản lý văn hóa đều có chung nhận định rằng, toàn bộ nội dung, tư tưởng của Đề cương về Văn hóa Việt Nam sau 80 năm vẫn còn nguyên giá trị. Quan điểm của ông về nhận định này thế nào?

Đây là nhận định hoàn toàn chính xác! Tôi cho rằng, Đề cương về Văn hóa Việt Nam không chỉ còn nguyên giá trị, mà vẫn còn nguyên tính thời sự. Bởi Đề cương đã đưa ra 3 nguyên tắc vận động văn hóa không chỉ đúng với thời kỳ giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, mà còn đúng với cả hiện nay cũng như trong tương lai, nếu không muốn nói là trường tồn.

Đó là, Văn hóa Việt Nam phải mang tính Dân tộc – Đại chúng – Khoa học. Muốn cho 3 nguyên tắc trên đây toàn thắng, phải tích cực chống những xu hướng văn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm… Văn hóa Việt Nam có tính dân tộc và dân chủ. Như vậy, những tư tưởng về phát triển văn hóa Việt Nam được đặt ra trong Đề cương đến nay và cả mai sau vẫn còn nguyên giá trị.

Còn tính thời sự thì sao, thưa ông?

Sau 80 năm kể từ khi Đề cương về Văn hóa Việt Nam được thông qua với sự khẳng định: Mặt trận văn hóa là một trong 3 mặt trận (cùng với kinh tế và chính trị), tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa (24/11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là

sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng đất nước. Tổng Bí thư yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức phải quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Quán triệt yêu cầu này, Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 nhấn mạnh việc chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Một trong 6 quan điểm trọng tâm, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 01/NQ-CP cũng khẳng định: “Phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Như vậy, những nội dung, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo phát triển văn hóa Việt Nam đặt ra trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam không chỉ còn nguyên giá trị, mà vẫn còn nguyên tính thời sự.

Có hàng trăm định nghĩa về văn hóa. Theo ông, văn hóa là gì?

Văn hóa là một phạm trù rất rộng, có thể được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau với nhiều cách tiếp cận khác nhau, rất phong phú, đa dạng. Nhưng theo tôi, văn hóa chính là đạo đức. Văn hóa là tinh hoa của đạo đức. Tất cả những người có văn hóa đều có đạo đức và người có đạo đức thì luôn tỏa ra bên ngoài bằng văn hóa.

Khi còn làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, tại một cuộc hội nghị tổng kết về văn hóa, nhiều đại biểu cũng hỏi tôi câu hỏi như vậy. Và tôi cũng trả lời rằng, văn hóa chính là đạo đức, người có đạo đức là người có văn hóa. Văn hóa là một phạm trù rất rộng, nhưng có 3 thước đo là văn hóa ứng xử, văn hóa trí tuệ và văn hóa vật chất.

Sau gần 20 năm kể từ khi đưa ra khái niệm của riêng mình về văn hóa, tôi thấy vẫn đúng. Bởi trong thực tế cuộc sống, người có văn hóa ứng xử tốt là người đi đâu, xuất hiện ở đâu cũng làm cho mọi người xung quanh cảm thấy dễ chịu, yêu mến, kính trọng. Người có văn hóa trí tuệ khi mới gặp thì ngại, nói chuyện thì khoái, chia tay mong muốn ngày gặp lại. Người có văn hóa vật chất là người luôn sống bằng kết quả lao động của mình. Người có trí tuệ, nói năng “hoạt ngôn”, được học hành, đào tạo bài bản, có chuyên môn, kinh nghiệm, nhưng tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ là không có văn hóa, là vô đạo đức.

Đề cương về Văn hóa Việt Nam coi việc phát triển văn hóa ngang với kinh tế và chính trị. Thưa ông, trong giai đoạn hiện nay, xây dựng và phát triển văn hóa phải tập trung vào những trụ cột nào?

Tôi cho rằng, cần phải xây dựng, củng cố và phát triển 3 nền tảng, đó là: văn hóa gia đình, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa công vụ. Trong đó, văn hóa gia đình là nền tảng của xã hội; văn hóa công vụ là nền tảng chính trị của quốc gia; văn hóa doanh nghiệp là nền tảng của nền kinh tế quốc gia.

Tôi muốn nhấn mạnh đến văn hóa doanh nghiệp – khía cạnh đang ngày càng được quan tâm. Văn hóa doanh nghiệp phụ thuộc vào 3 điều. Thứ nhất, là văn hóa của người đứng đầu. Người đứng đầu không có văn hóa, thiếu văn hóa thì đừng hy vọng doanh nghiệp có văn hóa. Thứ hai, là các quy chế quản lý nội bộ, trọng tâm là 3 quy chế: quy chế quản lý con người; quy chế quản lý tài chính, tài sản; và quy chế phân phối lợi ích (công bằng, chứ không phải cào bằng). Thứ ba, là trách nhiệm của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước, với xã hội và môi trường, với người tiêu dùng – là chất lượng và giá sản phẩm.

Văn hóa doanh nghiệp đang được nhắc đến nhiều hơn và ngày càng được nhiều doanh nghiệp quan tâm, xây dựng, vun bồi. Vì thực tế đã chứng minh, doanh nghiệp nào có văn hóa càng cao, thì càng phát triển bền vững, dễ dàng vượt qua khó khăn cả khách quan và chủ quan.

Vì vậy, Chính phủ cần có các giải pháp để phát huy văn hóa doanh nghiệp, thưa ông?

Để động viên, khuyến khích doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh có văn hóa, Chính phủ đã cho phép thành lập Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam nhằm vận động  xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân thông qua các hoạt động thông tin, quảng bá, tăng cường nhận thức về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, nhất là tinh thần thượng tôn pháp luật, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nhân, doanh nghiệp và cạnh tranh lành mạnh.

Thủ tướng chính phủ đã quyết định lấy ngày 10/11 hằng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam nhằm tôn vinh doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và phát triển văn hóa; góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế. Đây chính là minh chứng cho thấy, Đảng, Nhà nước xếp văn hóa ngang hàng với kinh tế. Điều này cũng chứng minh giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị.

Ông nói rằng, văn hóa chính là đạo đức, nhưng trong xã hội hiện đại ngày nay thì phải cần có tài nữa. Theo ông, tài và đức, cái nào trọng hơn?

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, phải có cả đức và tài. Đức – tài quan trọng như nhau! Làm người thì phải có đức, làm doanh nhân thì phải có tài! Nhất là đội ngũ “công bộc của dân” cần có cả đức và tài.

Tôi sẽ phân tích kỹ hơn đức – tài trong văn hóa công vụ. Tiêu chuẩn của quan chức thời phong kiến ngày xưa cũng như cán bộ ngày nay vẫn là đức và tài. Tất nhiên, mỗi thời đại khác nhau thì nội hàm của đức – tài khác nhau. Bác Hồ đã đúc rút: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Đội ngũ cán bộ, công chức trong kỷ nguyên 4.0 phải hội tụ đủ 5 tiêu chuẩn, gồm: ngoại ngữ, tin học, đức, tài và bản lĩnh. Ngoại ngữ và tin học là kiến thức mở đường, là điều kiện cần; còn đức, tài và bản lĩnh là điều kiện đủ.

Cán bộ, công chức, nhất là những người lãnh đạo có văn hóa trước hết phải là người có đức. Đức của người lãnh đạo trước hết phải gương mẫu, dân chủ. Không gương mẫu, không dân chủ thì không tập hợp được những người có tài.

Gần 80 năm trước, chỉ hơn 4 tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Bác Hồ đã cho tổ chức tổng tuyển cử (ngày 6/1/1946) một cách dân chủ. Mọi người, không phân biệt già trẻ, gái trai, dân tộc, tôn giáo, đã nô nức đi bỏ phiếu bầu ra Quốc hội. Cuộc tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên đã tìm ra rất nhiều anh tài ra giúp nước, bởi dân chủ là cách tốt nhất để tập hợp tài năng, là cách tốt nhất để ít phạm sai lầm. Chính vì vậy, Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã nhấn mạnh, văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc về hình thức và dân chủ về nội dung.

Thế còn bản lĩnh thì sao, thưa ông?

Người có bản lĩnh phải là người có ý tưởng, có tầm nhìn, dám nghĩ, dám làm, dám nói.

Tài không tự nhiên sinh ra, mà muốn có tài, trước hết phải chịu khó đi để học, nghe để học, hỏi để học, đọc để học và làm để học.

Đức cũng không tự nhiên có, mà muốn có đức, phải luôn trui rèn bản thân.

Trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, rất nhiều hoạt động, lĩnh vực, ngành nghề, công việc, sản phẩm đã xuất hiện mà chỉ cách đây ít năm, nhân loại chưa bao giờ tưởng tượng ra. Người có bản lĩnh sẵn sàng ứng dụng công nghệ mới, tạo ra sản phẩm mới, cách làm mới, tạo ra giá trị cho xã hội, làm giàu cho gia đình và quê hương, đất nước. Cố Thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu từng nói, nếu không biết làm giàu, thì trí tuệ của con người cũng chỉ là trí nhớ mà thôi. Người có văn hóa, có đủ đức, đủ tài, nhưng thiếu bản lĩnh, thì khó có thể trở thành lãnh đạo dám đổi mới và thành công.

Năm 1943, khi Việt Nam vẫn còn là thuộc địa phong kiến với 96,4% người dân mù chữ, mà Đảng đã thông qua Đề cương về Văn hóa Việt Nam, mới thấy đây là quyết định vô cùng bản lĩnh của những người có đủ đức, đủ tài. Bởi nội dung của Đề cương này vô cùng tiến bộ, khoa học, không chỉ đúng cho hoàn cảnh lúc bấy giờ, mà đến tận ngày nay và mai sau.