Vụ giải cứu 92 người di cư khỏa thân: Hy Lạp đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ

Hôm 15-10, Hy Lạp thông báo cảnh sát nước này đã giải cứu 92 người đàn ông khỏa thân ở sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, một số trong đó bị thương. Các nhà chức trách Hy Lạp đã đổ lỗi cho nước láng giềng, xem hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ là “sự xấu hổ đối với nền văn minh”.

Theo The Guardian, những người di cư được phát hiện gần sông Evros, biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, vào hôm 14-10, song không rõ những người đàn ông bị mất quần áo như thế nào.

Cảnh sát Hy Lạp và các quan chức từ Frontex, cơ quan biên giới của Liên minh châu Âu (EU), đã tiến hành điều tra và tìm ra bằng chứng cho thấy những người di cư đã vượt sông vào lãnh thổ Hy Lạp bằng thuyền cao su từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Một bức ảnh cho thấy một nhóm người di cư trên một chiếc thuyền ở phía tây Biển Địa Trung Hải . Ảnh: Reuters

Những người di cư nói với cảnh sát và các sĩ quan của Frontex rằng họ bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ép buộc lên 3 chiếc xe đưa đến biên giới và bị buộc phải cởi bỏ hết quần áo trước khi lên thuyền.

“Hành vi khiêu khích của Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt quá mọi giới hạn” – Bộ tị nạn và di trú của Hy Lạp cho biết hôm 15-10.

Ông Notis Mitarachi, Bộ trưởng Bộ Di trú của Hy Lạp, hôm 15-10 đã đăng một bức ảnh lên tài khoản Twitter cá nhân, trong ảnh có hơn 20 người đàn ông khỏa thân đang cúi mình ở ngoài trời.

“Hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ đối với 92 người di cư mà chúng tôi đã giải cứu ở biên giới là một sự xấu hổ cho nền văn minh. Chúng tôi hy vọng Ankara sẽ điều tra vụ việc” – ông Mitarachi bình luận bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Anh.

Ông Fahrettin Altun – người đứng đầu cơ quan truyền thông của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và là người phát ngôn chính của tổng thống Recep Tayyip Erdoğan – đã mô tả các cáo buộc là “vô căn cứ và không có cơ sở” trong một loạt các bài viết được đăng trên Twitter vào cuối ngày 16-10.

Ông Altun viết: “Cỗ máy tin tức giả của Hy Lạp đã hoạt động trở lại”.

Đề cập đến tài khoản của Mitarachi viết về cuộc giải cứu biên giới, ông Altun cho biết tài khoản này có “nội dung sai sự thật” với ý định “đặt đất nước của chúng tôi vào tình trạng nghi ngờ”.

“Hy Lạp một lần nữa cho cả thế giới thấy rằng họ thậm chí không tôn trọng phẩm giá của những người di cư bằng cách công bố các bức ảnh những người này bị lột sạch quần áo” – ông Altun nói thêm.

Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một tuyên bố hôm 16-10, bày tỏ rằng tổ chức này “vô cùng đau buồn” trước sự việc. “Chúng tôi lên án việc đối xử tàn bạo và hèn hạ như vậy và kêu gọi một cuộc điều tra đầy đủ về vụ việc” – cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết.

Hy Lạp hứng chịu cuộc khủng hoảng di cư châu Âu vào năm 2015 và 2016 khi có khoảng 1 triệu người tị nạn từ Syria, Iraq và Afghanistan đến đất nước này, chủ yếu qua Thổ Nhĩ Kỳ, để trốn khỏi chiến tranh và nghèo đói.

Số lượng người di cư giảm sau đó, nhưng các nhà chức trách Hy Lạp cho biết gần đây họ đã thấy số lượng người cố gắng qua biên giới đất liền Thổ Nhĩ Kỳ và các đảo của Hy Lạp đã gia tăng trở lại.

Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên cáo buộc Hy Lạp đẩy người di cư trở lại một cách thô bạo, trong khi Hy Lạp cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ “đẩy” người di cư đi để gây áp lực lên EU.

Hy Lạp đã thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng thỏa thuận năm 2016 với EU, trong đó Ankara đồng ý kiểm soát dòng người di cư đến châu Âu để đổi lấy hàng tỉ euro viện trợ.

Ở chiều ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã tăng cường các biện pháp để ngăn chặn người di cư trái phép.


Khánh Thu