Vô hiệu nọc rắn cực độc nhờ hợp chất không ngờ

Bothrops jararaca, còn được gọi “yarara” – là loại rắn cực độc đặc hữu ở Nam Mỹ. Mỗi năm có khoảng 26.000 trường hợp bị loài rắn cực độc này tấn công chỉ tính riêng ở Brazil.

Từ thực tế đó, Viện Butantan tại Sao Paulo đã nghiên cứu và tìm ra một hợp chất có thể vô hiệu hoá nọc độc do vết cắn của rắn bothrops jararaca.

“Một bản sửa đổi của hợp chất rutin, succinyl rutin hòa tan trong nước có tác dụng ngăn chặn nọc độc do rắn cắn. Hợp chất này được chiết xuất từ trái cây và rau quả” – hãng Reuters dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Butantan được công bố trên tạp chí Frontiers in Pharmacology.

Mỗi năm ở Brazil có khoảng 26.000 trường hợp bị rắn cực độc bothrops jararaca tấn công. Ảnh: Reuters

Phát hiện này giúp bổ sung cho phương pháp điều trị bằng huyết thanh, cung cấp giải pháp khẩn cấp cho những người bị cắn ở những nơi xa xôi, không thể tiếp cận ngay với các cơ quan y tế.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng nhấn mạnh truyền huyết thanh vẫn là phương pháp chính để điều trị các trường hợp bị rắn độc cắn.

“Rutin sẽ đóng vai trò như một chất bổ trợ, không phải để thay thế huyết thanh. Nó làm chậm tác dụng của nọc độc, kiểm soát chảy máu và viêm nhiễm” – nhà nghiên cứu Marcelo Santoro cho biết.

Một hợp chất được tìm thấy trong trái cây, rau quả có thể vô hiệu hoá nọc rắn độc. Ảnh: Reuters


Bằng Hưng