Vì sao nhiều người trẻ Hàn Quốc tìm cơ hội ở nước ngoài?

Theo một khảo sát hồi đầu năm nay của Viện Chính sách thanh niên Hàn Quốc, có đến hơn 40% người trẻ cho rằng họ ở trong tình trạng nghèo với thu nhập trung bình năm dưới mức 16.700 USD.

Thậm chí, có đến 63,9% thanh niên không sở hữu nhà cửa hoặc không đủ khả năng để mua hoặc thuê nhà dài hạn jeonse (một hình thức thuê nhà ở Hàn: người thuê chỉ đóng một lần một khoản tiền lớn, có khi lên đến vài trăm ngàn USD và sẽ nhận lại tiền sau khi hết hợp đồng).

Ngày càng nhiều thanh niên Hàn tìm cách rời đất nước để tìm kiếm các cơ hội phát triển ở nước ngoài

Chi phí sinh hoạt đắt đỏ, cạnh tranh việc làm diễn ra gay gắt cũng góp phần khiến giới trẻ Hàn không còn mặn mà phát triển ở quê nhà. Tuy vậy, có một nghịch lý về sự thừa và thiếu: trong khi thanh niên đổ dồn đến đô thị để tìm kiếm việc làm khiến số lượng công việc khan hiếm, Hàn Quốc lại đang thiếu hàng chục ngàn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ở nông thôn.

 Hệ quả là, tỉ lệ thất nghiệp ở đô thị tăng, ở nông thôn lại phải dựa vào sức lao động của người lớn tuổi và lao động nước ngoài. Thậm chí, chính phủ Hàn đang đề xuất chương trình chuyển đổi visa thường trú cho lao động nước ngoài nếu sinh sống và làm việc ở các vùng nông thôn trên 5 năm.

Để chạy trốn khỏi “Địa ngục Joseon” (cụm từ mô tả về áp lực cuộc sống của giới trẻ Hàn), thanh niên Hàn lựa chọn rời bỏ đất nước. Một khảo sát năm 2019, ngay trước đại dịch Covid-19, cho thấy có đến 80% người trẻ bi quan về cuộc sống tại Hàn Quốc và 75% trong số đó muốn ra hải ngoại. Con số đó hiện nay chắc chắn sẽ cao hơn do những tác động tiêu cực từ đại dịch, lạm phát và tình trạng thất nghiệp đang diễn ra trầm trọng ở Hàn Quốc.

Một trong những lựa chọn “chạy trốn” phổ biến của giới trẻ Hàn là các nước Đông Nam Á, trong đó xếp hạng đầu là Việt Nam và Thái Lan. Các nguyên do là chi phí sinh hoạt rẻ, vị trí tương đối gần, tiềm năng phát triển trong tương lai cũng như có cái nhìn thiện cảm với văn hóa Hàn Quốc, đặc biệt là do ảnh hưởng của Hallyu (Hàn Lưu, hay làn sóng Hàn Quốc được dẫn dắt với K-pop, truyền hình, điện ảnh và văn hóa Hàn).

Anh Choi Min Gyu, nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Jeonbuk, cho biết: “Chúng tôi tự gọi mình là thế hệ 7 không: không hẹn hò, không kết hôn, không sinh con, không mua nhà, không việc làm, không quan hệ xã hội và không hy vọng cá nhân. Cuộc sống ở Hàn hiện quá khó khăn với chúng tôi. Nhiều người bạn của tôi đã đến Việt Nam để lập nghiệp và tìm kiếm cơ hội ở đó”.

Vì những nguyên nhân đó, ngày càng nhiều thanh niên xứ kim chi “di cư ngược” đến Đông Nam Á để lập nghiệp. Có thể thu nhập sẽ không cao như ở Hàn Quốc nhưng chi phí sinh hoạt rẻ khiến cuộc sống ít bị áp lực hơn. 

Giá một căn hộ nhỏ ở Seoul đã lên gần gấp đôi chỉ trong 5 năm, đạt mức trung bình xấp xỉ 1 triệu USD hồi đầu năm 2022 khiến thanh niên Hàn “tuyệt vọng” trong mong muốn sở hữu nhà, giá nhà ở các thành phố vệ tinh của khu vực Greater Seoul cũng đã vượt mốc 500.000 USD. Dựa trên mức lương trung bình xấp xỉ 3.000 USD/tháng thì nếu muốn có nhà ở Seoul hoặc các đô thị vệ tinh xung quanh, một người phải tiết kiệm (không chi tiêu) trong lần lượt khoảng 30 năm và 15 năm.


Bài và ảnh: Duy Trân