Ủy ban khẩn cấp đậu mùa khỉ: Điều tra về khả năng biến đổi gien, “lây ngược”

Sáng 26-4 theo giờ Việt Nam, Ủy ban khẩn cấp về Các quy định Y tế Quốc tế (IHR) liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triệu tập đã công bố văn bản chính thức về cuộc họp khẩn xem xét đậu mùa khỉ có phải là một PHEIC (Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng cần được quốc tế quan tâm) hay không.

Chủ tịch Ủy ban khẩn cấp IHR về đậu mùa khỉ Jean-Marie Okwo-Bele phát biểu tại cuộc họp – Ảnh: WHO

Dù ủy ban khẩn cấp IHR cho rằng đậu mùa khỉ chưa phải PHEIC trong lúc này và được Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đồng thuận, tuy nhiên cũng “thừa nhận tính chất khẩn cấp của sự việc và việc kiểm soát sự bùng phát tiếp tục lan rộng đòi hỏi những nỗ lực ứng phó mạnh mẽ.

Ủy ban khuyến cáo rằng sự kiện nên được theo dõi chặt chẽ và xem xét lại sau một vài tuần, khi có thêm thông tin về những điều chưa biết hiện tại, để xác định xem liệu có những thay đổi quan trọng đã xảy ra, từ đó cân nhắc lại lời khuyên vừa đưa ra.

Ủy ban cũng nêu rõ một số vấn đề nguy cơ họ sẽ tập trung điều tra và cho biết sự xuất hiện của một trong các vấn đề đó sẽ cho thấy họ cần đánh giá lại về đậu mùa khỉ.

Các nguy cơ mà ủy ban lo sợ có thể xảy ra trong tương lai bao gồm: bằng chứng về sự gia tăng tốc độ lây lan trong 21 ngày tới; khả năng lây lan liên quan đến các vụ mua bán dâm; bằng chứng về sự lây lan đáng kể đến và trong các quốc gia khác, hoặc sự gia tăng đáng kể về số ca ở các quốc gia lưu hành; gia tăng số trường hợp mắc ở các nhóm dễ bị tổn thương, như người suy giảm miễn dịch bao gồm người nhiễm HIV, phụ nữ có thai và trẻ em; bằng chứng về sự gia tăng độc lực (tăng tỉ lệ tử vong và nhập viện); bằng chứng về sự lây ngược sang quần thể động vật; bằng chứng về sự thay đổi đáng kể trong bộ gien virus làm gia tăng tốc độc lây, độc lực, khả năng thoát miễn dịch hay kháng thuốc; bằng chứng về các cụm trường hợp gây ra bởi dòng virus độc lực cao hơn.

Họ cũng thừa nhận: “Hoạt động của virus đậu mùa khỉ đã bị bỏ qua và không được kiểm soát tốt trong nhiều năm ở các nước trong Khu vực Châu Phi của WHO”; nhấn mạnh rằng việc ứng phó đợt bùng phát cần có những nỗ lực hợp tác quốc tế. Ủy ban cũng công nhận đậu mùa khỉ là một dịch bệnh đặc hữu ở các vùng của châu Phi.

Tổng Giám đốc WHO: Đậu mùa khỉ là “mối đe dọa sức khỏe đang phát triển”

Thông cáo WHO gửi đến các cơ quan truyền thông mà Báo Người Lao Động nhận được sáng 26-4 dẫn lời tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus: “Họ (Ủy ban khẩn cấp IHR về đậu mùa khỉ – pv) khuyên tôi rằng tại thời điểm này, sự kiện này không phải là PHEIC, là mức cảnh báo cao nhất mà WHO có thể đưa ra, nhưng thừa nhận rằng bản thân việc triệu tập ủy ban phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng. về sự lây lan quốc tế của bệnh đậu mùa khỉ. Họ bày tỏ sự sẵn sàng để được triệu tập lại khi thích hợp”.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus dự họp trực tuyến qua Zoom – Ảnh: WHO

Ông nhấn mạnh: “Đây rõ ràng là một mối đe dọa sức khỏe đang phát triển mà các đồng nghiệp của tôi và tôi trong Ban Thư ký WHO đang theo dõi rất chặt chẽ”.

Theo người đứng đầu WHO, căn bệnh này đòi hỏi sự quan tâm tập thể và hành động phối hợp ngay lập tức để ngăn chặn sự lây lan bằng các biện pháp y tế công cộng bao gồm giám sát, truy tìm tiếp xúc, cách ly và chăm sóc bệnh nhân, đồng thời đảm bảo các công cụ y tế như vắc-xin và các phương pháp điều trị luôn sẵn có cho các nhóm dân số có nguy cơ, được chia sẻ công bằng.

“Như ủy ban đã chỉ ra, bệnh đậu mùa khỉ đã lưu hành ở một số nước châu Phi trong nhiều thập kỷ và đã bị bỏ quên về mặt nghiên cứu, chú ý và tài trợ. Thế giới được nhắc nhở một lần nữa rằng sức khỏe là một yếu tố liên kết với nhau” – tiến sĩ Tedros nói.


Anh Thư