Trung Quốc đàm phán hàng loạt thương vụ vũ khí lớn ở Trung Đông

Thông tin trên do tờ South China Morning Post ngày 23-5 dẫn nguồn từ Tactical Report, cơ quan tình báo có trụ sở tại thủ đô Beirut – Lebanon.

Theo Tactical Report, Công ty Công nghiệp Quân sự Ả Rập Saudi (SAMI) đang đàm phán với Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc (Norinco) để mua máy bay chiến đấu, máy bay không người lái do thám và hệ thống phòng không.

Các vũ khí Trung Quốc nằm trong thỏa thuận tiềm năng bao gồm máy bay không người lái (UAV) Sky Saker FX80, máy bay trinh sát (VTOL) CR500, máy bay cảm tử Cruise Dragon 5 và hệ thống phòng không tầm ngắn (SHORAD) HQ-17AE.

Quá trình đàm phán giữa các bên dự kiến sẽ kéo dài từ đây cho tới cuối năm nay hoặc đầu năm sau, và hiện có thông tin cho rằng toàn bộ giao dịch trong các thỏa thuận trên nhiều khả năng sẽ được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.

Trung Quốc được cho là đang đàm phán với Ả Rập Saudi và Ai Cập để bán nhiều loại vũ khí cho hai quốc gia này. Ảnh: militarydrones.org.cn

Ai Cập được cho là đang đàm phán với Trung Quốc để mua máy bay chiến đấu đa năng J-10C. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trong một báo cáo khác, Tactical Report cho biết các cuộc đàm phán giữa không quân Ai Cập và Tập đoàn Công nghiệp máy bay Thành Đô đang diễn ra, hai bên gặp nhau bên lề Triển lãm Hàng không và Hàng hải quốc tế Langkawi tại Malaysia ngày 23-5. Cairo tìm kiếm máy bay chiến đấu J-10C của Thành Đô. J-10C là loại máy bay mới chỉ được bán cho Pakistan.

Các nguồn tin cho biết trong cuộc họp, công ty Trung Quốc tiết lộ những cải tiến mới nhất trên J-10C, bao gồm hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến và radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA).

Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2006, J-10 là máy bay chiến đấu do Trung Quốc tự thiết kế đầu tiên tiếp cận với khả năng của những chiếc do Nga và phương Tây chế tạo. J-10 có radar tiên tiến, hệ thống điều khiển điện tử, đạt tốc độ tối đa Mach 1,8 (gấp 1,8 lần vận tốc âm thanh) và có thể thực hiện các nhiệm vụ tấn công mặt đất bên cạnh nhiệm vụ đánh chặn.

Các quan chức của Iran, Trung Quốc và Ả Rập Saudi gặp nhau tại Bắc Kinh ngày 10-3. Ảnh: China Daily

Theo South China Morning Post, Trung Quốc dạo gần đây nổi lên như một nước cung cấp vũ khí tiên tiến với giá cả phải chăng và không có ràng buộc chính trị.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình cho biết: “Trung Quốc sẵn sàng bán vũ khí công nghệ cao cho các quốc gia thân thiện mà không hề đưa ra bất kỳ điều khoản chính trị nào. Đây là lý do vũ khí Trung Quốc bắt đầu hấp dẫn khu vực Trung Đông”.

Cả Ai Cập và Ả Rập Saudi đều nằm trong số những nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Hai nước này ngày càng coi Nga và Trung Quốc là đối tác trong nhiều lĩnh vực để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.

Ả Rập Saudi tìm cách đa dạng hóa các nguồn vũ khí trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Washington sau cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi vào năm 2018 và do quyết định gây tranh cãi của OPEC+ hồi năm ngoái. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (OPEC+) đã nhất trí cắt giảm mạnh sản lượng khai thác.

Những năm gần đây, Trung Quốc mở rộng hợp tác với Ả Rập Saudi trên nhiều mặt, bao gồm kinh tế, quân sự và ngoại giao. Bắc Kinh còn làm trung gian đàm phán khôi phục quan hệ giữa Ả Rập Saudi với Iran.


Huệ Bình