Tình hình thế giới từ năm 2022: Trật tự mới chồng chéo

Đối với thế giới chúng ta đang sống, năm 2022 là dấu mốc rất đặc biệt và có ý nghĩa, tác động vươn dài ra nhiều năm về sau này. Nó đánh dấu sự khởi đầu của bước chuyển thời của thế giới. Không phải dịch bệnh hay việc kiềm chế và kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi rộng của thế giới mà cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine đã tạo nên dấu mốc ấy.

TÁC ĐỘNG TỪ CUỘC CHIẾN NGA – UKRAINE

Cuộc chiến này là sự kiện nổi bật nhất trên thế giới trong năm 2022. Nó lấn át việc dịch bệnh bị đẩy lùi hay bất hòa giữa Mỹ và Trung Quốc hoặc cả việc ngày càng có thêm nhiều đối tác gia tăng mức độ quan tâm và can dự vào khu vực Ấn Ðộ Dương – Thái Bình Dương. Ðể nhận biết được đầy đủ tầm tác động và mức độ ảnh hưởng của cuộc chiến này thì phải soi rọi sự suy xét tới ba khía cạnh. Thứ nhất, lần đầu tiên kể từ sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II đến nay, ở châu Âu mới lại bùng phát chiến tranh quy mô lớn đến như vậy, dai dẳng đến như vậy và không ai dám chắc đến khi nào nó mới có thể kết thúc và sẽ kết thúc như thế nào. Thứ hai, cũng lần đầu tiên song hành cuộc chiến trực tiếp giữa Nga và Ukraine với cuộc chiến gián tiếp giữa Mỹ, EU, NATO và đồng minh với Nga không những chỉ ở châu Âu mà còn ở cả trên nhiều phương diện khác nữa của chính trị, đối ngoại, an ninh, kinh tế và thương mại thế giới. Phe này hậu thuẫn Ukraine về chính trị, quân sự và tài chính để Ukraine giao chiến trực tiếp với Nga trong khi đối đầu trực tiếp Nga về chính trị, đối ngoại, kinh tế và thương mại. Vì thế, cuộc chiến ở Ukraine tiếp diễn hay kết thúc không còn là chuyện riêng giữa Nga và Ukraine nữa mà là chuyện tay ba giữa Nga, Ukraine và phe Mỹ, EU, NATO cùng đồng minh. Thứ ba, cuộc chiến ở Ukraine đã hủy hoại hoặc vô hiệu hóa tất cả những cơ chế và cấu trúc an ninh tập thể mà các nước châu Âu đã gây dựng được trong gần 8 thập kỷ qua. Sau cuộc chiến này, châu Âu và thế giới đều không còn được như trước nữa.

Châu Âu dù đối mặt khó khăn, nhất là suy thoái kinh tế và thiếu hụt năng lượng, song vẫn không ngăn được người dân tận hưởng những kỳ nghỉ lễ ý nghĩa. Trong ảnh: Vui Giáng sinh ở Nikolaus Lauf, Michendorf – Đức Ảnh: REUTERS

PHÔ BÀY NHIỀU VẤN ĐỀ CHÍNH TRỊ, KINH TẾ

Kinh tế và thương mại thế giới đang từng bước dần phục hồi và tìm lại đà tăng trưởng nhờ thành tựu thế giới giành được trong cuộc chiến chống dịch bệnh thì bị tác động rất tiêu cực bởi cuộc chiến ở Ukraine. Vì thế, bức tranh về tình hình kinh tế và thương mại thế giới năm 2022 không có được nhiều điểm với gam màu sáng. Không ít nền kinh tế và khu vực trên thế giới lâm vào tình trạng không bảo đảm được an ninh năng lượng và lương thực, thậm chí còn bị cả khủng hoảng năng lượng và lương thực, giá cả tiêu dùng năng lượng tăng và tỉ lệ lạm phát cao, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Môi trường kinh tế đối ngoại của các nền kinh tế đều bị ảnh hưởng với mức độ tiêu cực khác nhau. Tăng trưởng kinh tế và thương mại của thế giới nói chung và các nền kinh tế trên thế giới nói riêng trong thời gian tới vẫn sẽ còn tiếp tục bị vạ lây bởi chính trị thế giới và chính trị an ninh thế giới.

Cuộc chiến ở Ukraine đã rũ bỏ hết những gì xưa nay che đậy thực chất mối quan hệ giữa các nước phương Tây với Nga và Trung Quốc. Cạnh tranh chiến lược giữa phương Tây với Trung Quốc hay đối địch hiện tại giữa phương Tây với Nga đều là biểu hiện cụ thể ra bên ngoài của bản chất bên trong là sự đối kháng về ý thức hệ, về hệ giá trị và về mô hình hệ thống chính trị nhà nước và xã hội. Sự phân bè, chia phái về ý thức hệ chính trị rất rõ này rồi đây sẽ tác động rất mạnh mẽ tới các mối quan hệ chính trị ngoại giao và kinh tế đối ngoại giữa các quốc gia và đối tác trên thế giới, buộc họ phải có những điều chỉnh chính sách và cách ứng xử trong quan hệ quốc tế và chính trị thế giới. Hai phe phái này đối địch nhau càng quyết liệt và càng không khoan nhượng thì các quốc gia và đối tác khác trên thế giới sẽ càng thêm thận trọng trong chính sách và quan hệ với họ, càng không dễ để cho phe này hay cánh kia lôi kéo hoặc lợi dụng. Cục diện quan hệ giữa các đối tác lớn như thế buộc các đối tác lớn này càng không thể bất chấp mà càng thêm cần các quốc gia và đối tác khác. Ðiều này lý giải vì sao đại đa số các quốc gia và đối tác trên thế giới chủ trương đứng ngoài cuộc đối đầu giữa hai phe kia, vì sao hai phe ấy đối địch nhau càng dữ dội thì các quốc gia và đối tác khác càng có giá đối với họ, vì sao thế giới năm 2022 bị khuấy động và xáo trộn rất mạnh mẽ trên nhiều phương diện nhưng không hỗn loạn. Thế giới năm 2022 báo hiệu trật tự thế giới mới đang hình thành không phải là một dạng trật tự duy nhất cho tất cả các phương diện mà sẽ là một mạng lưới và chồng chéo những trật tự khác nhau cho những phương diện khác nhau.

NHỮNG DIỄN BIẾN KHÓ NGỜ

Diễn biến tình hình chính trị, an ninh và kinh tế, thương mại nói chung của thế giới năm 2022 không tạo áp lực và tiền đề thuận lợi cần thiết cho việc giải quyết những vấn đề tồn tại lâu nay trên thế giới và cho thế giới. Tất cả đều bị lấn át và tác động rất mạnh bởi cuộc khủng hoảng chính trị an ninh bất ngờ ở châu Âu. Các nước lớn bị cuốn hút vào đấy và phải dành ưu tiên chính sách hàng đầu vào chuyện đó. Iraq, Afghanistan, Syria hay cuộc xung đột giữa Israel và Palestine bị lu mờ. Vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên càng thêm khó được giải quyết. Chuyện chính trị – xã hội ở nhiều quốc gia không còn bị coi là nổi cộm trong chính trị thế giới. Phe cực hữu và dân túy trỗi dậy ở châu Âu hay cánh tả phục hồi ở vùng Mỹ – Latin đều chỉ là chuyện thời sự thế giới trong khoảng thời gian ngắn. Cả chuyện cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ với kết quả rất độc đáo hay chuyện NATO mở rộng thêm Thụy Ðiển và Phần Lan cũng thoảng qua nhanh. Thế giới năm 2022 cũng còn chứng kiến một số động thái có thể tác động mạnh tới tương lai như trong khi Mỹ, EU và đồng minh tìm cách “thoát Trung Quốc và Nga” thì không ít đồng minh và đối tác chiến lược của họ lại tăng cường hợp tác và gắn kết với Trung Quốc và Nga. Ả Rập Saudi với Trung Quốc là bằng chứng thời sự nhất và rõ nét nhất. Như châu Âu vốn được coi là nơi có hòa bình, an ninh và ổn định bền vững nhất thì lại xảy ra chiến tranh một cách… lãng xẹt! Như Mỹ, EU và đồng minh vì mục đích trừng phạt Nga mà can thiệp trực tiếp vào chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu bằng cách cấm vận xuất khẩu và áp giá trần đối với xuất khẩu năng lượng của Nga – bất chấp tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới, tới an ninh năng lượng của các nước khác. Thế giới năm 2022 phát đi nhiều thông điệp cảnh tỉnh tới rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Thế giới bước vào năm 2023 với tất cả mọi vấn đề vốn cũ và mới phát sinh trong năm 2022. Vấn đề tự gây dựng môi trường chính trị đối ngoại, an ninh và kinh tế đối ngoại hòa bình, ổn định và thuận lợi nhất cho việc thực hiện lợi ích quốc gia và mục tiêu phát triển thịnh vượng đòi hỏi các quốc gia trên thế giới phải giải quyết sao cho ổn thỏa và có lợi nhất.

Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm và can dự trực tiếp cũng như gián tiếp của các đối tác bên ngoài.


Ðại sứ Trần Đức Mậu (nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao)