Thư Hàn Quốc: Không bao giờ cũ!

Từ nửa đêm 29-10 tới nay, mọi sự quan tâm của người dân Hàn Quốc đều hướng về Itaewon – khu vực được ví như phố Tây của TP Seoul.

Sự ra đi của hơn 150 người, trong đó phần lớn là thanh niên ở độ tuổi 20 – 30 đã khiến cả nước bàng hoàng. Người dân cập nhật thông tin ở khắp nơi, từ mục tin tức trên ứng dụng Naver, KakaoTalk hay màn hình tivi tại các điểm công cộng.

Tôi đến Itaewon vào chiều 30-10. Vừa bước ra cổng số 1 của ga Itaewon đã thấy hàng đoàn cảnh sát đang giăng dây đứng bảo vệ hiện trường, ngay cạnh khách sạn Hamilton. Chỉ phóng viên báo, đài được phép vào bên trong nhưng cũng phải dựa sát hàng dây giăng và không được bước vào con hẻm phía trước.

Con hẻm nhỏ nơi xảy ra thảm kịch vốn cũng như bao ngõ hẻm khác ở khắp Hàn Quốc, nối thẳng ra đường lớn Itaewon-ro là xương sống của khu vực sầm uất này. Hẻm nhỏ đó ước chừng chỉ rộng khoảng 4 m, dài 70 m, với độ dốc tầm 15-20 độ.

Vào lúc đông nhất, theo tính toán bằng AI của đài MBC từ các đoạn clip từ camera giám sát, có tới khoảng 800 người di chuyển trong hẻm. Để dễ hình dung, diện tích khu vực đó chỉ nhỉnh hơn sân tennis một chút.

Con hẻm nơi xảy ra thảm họa giẫm đạp Ảnh: HÀ VĂN GIỚI

Chính phủ Hàn Quốc đã phản ứng nhanh chóng: Lần lượt khu vực Itaewon và quận Yongsan được tuyên bố là khu vực thảm họa đặc biệt để huy động nguồn lực giải quyết tình hình; các bệnh viện, đại học lớn xung quanh được tận dụng tối đa để cấp cứu người bị thương; hàng đoàn xe cứu hỏa, cứu thương từ khắp các quận còn lại của Seoul cũng như các tỉnh Gyeonggi, Gangwon, Chungnam và TP Incheon lân cận đến hỗ trợ.

Những hình ảnh, lời kể của người chứng kiến được cập nhật ngày càng nhiều giúp chúng ta rõ hơn về bức tranh toàn cảnh.

Đám đông đang di chuyển trong con hẻm nhỏ hẹp và dốc, hướng ra đường lớn, phía cổng số 1 của ga Itaewon. Tiếp đó, đám đông bắt đầu xô đẩy do thông tin về sự có mặt của người nổi tiếng ở một câu lạc bộ gần đó. Mặc cho những tiếng la hét, van xin của những người đứng phía trước bị ép chặt, đám đông hỗn loạn đằng sau tiếp tục đẩy tới.

Trong tình huống bị nén chặt, hoảng loạn, không chỗ thoát thân cũng như không có không khí như thế, dễ hiểu vì sao phần lớn nạn nhân thiệt mạng là nữ giới.

Một số đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội Hàn Quốc cho thấy cảnh một phụ nữ bị kẹp chặt trong đám đông đang vô vọng cầu cứu nhưng dần kiệt sức rồi ngã mất hút xuống dưới. Trong một clip khác, ngay cả khi cảnh sát đến giải cứu, họ cũng không kéo nổi các nạn nhân ra bởi tất cả đã bị kẹp dính với tay chân đan xen và lực ép từ xung quanh tạo thành “khối kết dính” khổng lồ.

Hàn Quốc sẽ còn nhiều điều phải làm, bao gồm cả việc vượt qua đau thương như cách họ đã vượt qua thảm họa chìm phà Sewol 8 năm trước. Đây cũng là bài học lớn với chúng ta, với những phố đi bộ đã và sắp hình thành tại Việt Nam. Những bài học từ thảm họa này sẽ không bao giờ là cũ!


Lưu Duy Trân (nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường ĐH Quốc gia Jeonbuk)