Tên lửa rơi xuống Ba Lan: Mọi chú ý hướng về Điều 4, Điều 5 của NATO

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Nga tấn công tên lửa dồn dập vào lãnh thổ Ukraine, song hiện chưa rõ tên lửa rơi xuống Ba Lan bắt nguồn từ đâu và do ai phóng.

Với việc Ba Lan là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một cuộc tấn công nhằm vào quốc gia này có thể tạo ra bước ngoặt mới trong xung đột Nga – Ukraine, tùy thuộc vào chuyện gì thực sự đã xảy ra.

Mặc dù giới chức Ba Lan vẫn đang điều tra nguồn gốc tên lửa và nguyên nhân vụ nổ, thông tin về vụ việc nhanh chóng làm dấy lên nhiều đồn đoán về Điều 5 của NATO. Trong đó nêu rõ cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một thành viên NATO sẽ bị xem là cuộc tấn công nhằm vào cả khối và khi đó, vũ lực có thể được NATO cân nhắc để đáp trả.

Giới chức Mỹ và châu Âu tối 15-11 (giờ địa phương) thông báo họ vẫn đang thu thập thông tin và liên lạc với các đồng minh.

Xe tăng NATO chuẩn bị tập trận bắn đạn thật ở Latvia hôm 15-11. Ảnh: Reuters

Về lý thuyết, một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ba Lan (nếu có) có thể khiến NATO kích hoạt Điều 5. Dù vậy, theo nhà báo Miriam Berger và Sammy Westfall của báo The Washington Post, khả năng cao hơn (nhưng cũng không chắc chắn) là NATO sẽ chỉ kích hoạt Điều 4.

Điều 4 cho phép các thành viên nêu lên bất cứ nỗi lo nào, đặc biệt là về an ninh, để cả khối hội họp ở Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (NAC) – cơ quan phụ trách quyết định chính trị của NATO. Động thái này sẽ tạo điều kiện để các thành viên tập trung tham vấn, trao đổi quan điểm và thông tin để từ đó đề ra những bước đi tiếp theo.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 15-11 đã họp khẩn với Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia. Trong một tuyên bố cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định họ không tấn công bất kỳ mục tiêu nào trong hoặc gần Ba Lan.

Phát ngôn viên Oana Lungescu của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông sẽ họp với đại sứ các nước thành viên vào sáng 16-11 (giờ địa phương) “để thảo luận sự cố đau thương này”.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters

Các nước thành viên không bắt buộc hành động khi Điều 4 được kích hoạt. Điều 4 đã được kích hoạt 7 lần kể từ khi NATO được thành lập vào năm 1949. Gần đây nhất, Latvia, Litva, Ba Lan, Bulgaria, CH Czech, Romania và Slovakia đã sử dụng điều khoản này để tổ chức các cuộc họp liên quan đến xung đột Nga – Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ hồi 2015 cũng kích hoạt Điều 4 sau khi ít nhất 30 người thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria.

Khi đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ muốn thông báo với các đồng minh NATO về biện pháp đáp trả. Sau cuộc họp, NAC nhấn mạnh các nước thành viên NATO “lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ”, song NATO không triển khai thêm bất cứ động thái nào.

Điều 5 là gì?

Trong khuôn khổ của Điều 5, các bên tham gia hiệp ước NATO “nhất trí rằng một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một hoặc nhiều thành viên NATO ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ bị coi là một cuộc tấn công nhằm vào cả khối”.

Điều 5 quy định mỗi thành viên của NATO phải đáp trả tương xứng nếu thấy cần thiết, “bao gồm cả việc sử dụng lực lượng vũ trang, để khôi phục và duy trì an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương”.

Đến thời điểm hiện tại, Điều 5 chỉ mới được kích hoạt 1 lần, sau khi Mỹ bị tấn công khủng bố vào ngày 11-9-2001. Các lực lượng NATO khi đó được điều động đến Afghanistan.

Cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ hồi 11-9-2001 là lần duy nhất tính đến thời điểm hiện tại Điều 5 NATO được kích hoạt. Ảnh: Reuters


Hải Ngọc – Cao Lực