Tăng hình phạt cho đối tượng đưa người di cư trái phép vào Vương quốc Anh

Theo tin từ Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, một số biện pháp của Đạo luật Quốc tịch và Biên giới (NABA) vừa có hiệu lực đã trao cho Chính phủ các quyền hạn mới để phòng chống tội phạm, bảo vệ biên giới, và ngăn chặn con người thực hiện những hành trình nguy hiểm tới tính mạng.

Từ 28-6, bất kỳ cá nhân nào bị bắt khi đang lái xuồng nhỏ chở người di cư trái phép qua eo biển Manche có thể sẽ chịu án tù chung thân, như một phần của cuộc cải tổ hệ thống tiếp nhận người tị nạn lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

Đạo luật Quốc tịch và Biên giới Vương quốc, được Hoàng gia Anh phê chuẩn vào tháng 4, sẽ cải cách hệ thống cũ để có thể hỗ trợ tốt hơn những người thật sự có nhu cầu tị nạn qua lộ trình an toàn và hợp pháp, từ đó triệt phá mô hình kinh doanh của các mạng lưới mua bán người.

Kể từ thứ ba (28-6), các biện pháp có hiệu lực bao gồm: Tăng hình phạt cho các đối tượng lái xuồng nhỏ hoặc đưa người di cư trái phép vào Vương quốc Anh bằng thủ đoạn nguy hiểm hoặc bất hợp pháp, với hình phạt nặng nhất là tù chung thân.

Tăng hình phạt nặng nhất cho đối tượng di chuyển bất hợp pháp tới Vương quốc Anh hoặc lưu trú quá hạn thị thực từ 6 tháng lên 4 năm tù.

Đồng thời, giới thiệu một hướng tiếp cận mới, theo đó người tới Vương quốc Anh qua một nước thứ ba, mà không trình báo ngay, hoặc không đưa ra được lý do thỏa đáng về việc nhập cảnh hoặc hiện diện bất hợp pháp, có thể sẽ được cấp một tổ hợp các quyền lợi khác với những người đã tuân thủ các yêu cầu này, bao gồm việc chỉ được cấp quyền lưu trú ngắn hạn với thời hạn ngắn hơn (tối thiểu 30 tháng thay vì 5 năm).

Cán bộ xuất nhập cảnh được lục soát container trên tàu thủy hoặc máy bay dành cho người nhập cư trái phép.

Trục xuất tội phạm người nước ngoài hiện đang ngồi tù tại Vương quốc Anh sớm hơn bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe hơn với người từng có tiền án tiền sự và xin tị nạn, nghĩa là tội phạm có thể bị trục xuất sớm nhất là 12 tháng trước khi kết thúc thi hành án.

Có thể ban hành các hình phạt về thị thực – nghĩa là làm chậm hoặc dừng các dịch vụ cấp thị thực cho các quốc gia có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền hòa bình và an ninh thế giới và quốc gia từ chối tiếp nhận các công dân nước mình mà không có tư cách lưu trú tại Vương quốc Anh.

“Đây là một trong các cột mốc quan trọng nhất nhằm việc thực hiện lời hứa của Bộ Nội vụ tới công chúng Vương quốc Anh nhằm giành quyền kiểm soát biên giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc không ngừng để đảm bảo việc bảo vệ và hỗ trợ cho những người thực sự có nhu cầu tị nạn; nhưng các biện pháp mới này cho phép chúng tôi trấn áp việc lợi dụng hệ thống tiếp nhận người tị nạn cũng như những kẻ mua bán người – giờ chúng sẽ phải chịu mức án tối đa là tù chung thân khi luật này có hiệu lực”- Bộ trưởng Bộ Nội vụ Vương quốc Anh, Priti Patel chia sẻ:

Thêm vào đó, Đạo luật Quốc tịch và Biên giới sẽ khắc phục những bất cập của luật quốc tịch Vương quốc Anh khi từ chối cấp Quốc tịch Anh cho con cái của công dân lãnh thổ Hải ngoại thuộc Anh.

Ví dụ, trẻ em sinh trước ngày 1-1-1983 có mẹ là công dân lãnh thổ Hải ngoại thuộc Anh mà không sinh ra trên lãnh thổ Vương quốc Anh hoặc lãnh thổ Hải ngoại thuộc Anh sẽ không được cấp quốc tịch Anh. Tương tự, con của một người cha chưa kết hôn là công dân lãnh thổ Hải ngoại thuộc Anh được sinh trước ngày 1-7-2006 cũng sẽ không được cấp quốc tịch Anh.

Bộ Nội vụ đang triển khai các lộ trình để nhập quốc tịch cho tất cả những ai đã bị từ chối bởi các bất cập này.

Đạo luật Quốc tịch và Biên giới sẽ loại bỏ các nguyên tắc đã lỗi thời như yêu cầu bố mẹ là công dân lãnh thổ Hải ngoại thuộc Anh phải đăng ký trong vòng 12 tháng từ khi trẻ được sinh ra ngoài lãnh thổ Hải ngoại thuộc Anh để có thể lấy quốc tịch Anh.


Dương Ngọc