“Tâm chấn” Covid-19 dịch chuyển?

Hôm 14-7, chính phủ New Zealand đã tuyên bố cung cấp khẩu trang và xét nghiệm nhanh miễn phí cho người dân trong bối cảnh nước này “dịch chồng dịch”: Covid-19 và cúm.

Đây cũng là tình trạng của nước Úc, nơi chính phủ ước tính làn sóng BA.4 và BA.5 Omicron có thể gây ra hàng triệu ca mắc mới trong tương lai gần. Hiện số người nhập viện ở Úc đã ở mức gần bằng đợt bùng phát Omicron đầu năm 2022.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nhật Bản Shigeyuki Goto, số ca Covid-19 “đang tăng lên ở mọi tỉnh”. Thủ đô Tokyo sẽ sớm tổ chức một cuộc họp giữa lực lượng đặc nhiệm và các chuyên gia để quyết định các biện pháp ứng phó cho mùa hè này.

Hôm 13-7, Hàn Quốc cũng báo cáo số ca tăng gấp 3 lần trong 1 tuần, dự kiến số ca mới sẽ đạt 200.000 ca/ngày từ giữa tháng 8.

Xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Bắc Kinh – Trung Quốc Ảnh: REUTERS

Theo báo cáo hằng tuần mới nhất được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gửi các cơ quan báo chí ngày 14-7, nhiều nước kể trên cùng với Trung Quốc – nơi nhiều tỉnh, thành đang vật lộn với các chính sách phong tỏa, xét nghiệm với kỳ vọng “zero Covid-19” – có số ca cao nhất khu vực Tây Thái Bình Dương, cụ thể là Nhật Bản (269.760 ca, tăng 98%), Úc (257.002 ca, tăng 22%), Trung Quốc (223.915 ca, tăng 17%), Hàn Quốc (122.234 ca, tăng 92%).

Việt Nam được WHO xếp vào khu vực này nhưng là một trong những vùng còn “nhạt màu” (số ca thấp) trên bản đồ dịch tễ. Số ca Covid-19 toàn khu vực tăng tới 28% trong tuần, là tỉ lệ tăng cao nhất trong 6 khu vực của WHO, song số ca tử vong giảm 10%.

Khu vực Đông Nam Á tăng 5% so với tuần trước, với một số nước như Thái Lan có xu hướng giảm, còn Indonesia lại tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3. Philippines hiện vẫn ở mức thấp nhưng chính phủ cảnh báo số ca có thể tăng gấp 20 lần vào cuối tháng.

Vùng có số ca cao nhất vẫn là châu Âu (2,8 triệu ca) và châu Mỹ (1,56 triệu ca) trong tổng số 5,7 triệu ca mới toàn cầu tuần qua (tăng 6% so với tuần trước), song tốc độ gia tăng ở các khu vực này đều chậm lại, cá biệt có Trung Mỹ tăng 55%.

Khuyến khích tiêm chủng đang là chính sách hàng đầu của hầu hết các quốc gia. Tỉnh đông dân nhất của Canada là Ontario sẽ triển khai mũi tăng cường thứ 2 cho tất cả người dân trên 18 tuổi từ ngày 14-7.

Tương tự, Liên minh châu Âu (EU) vừa khuyến nghị các nước thành viên mở rộng đối tượng được tiêm mũi tăng cường bao gồm tất cả người trên 60 tuổi hoặc có yếu tố nguy cơ, trong bối cảnh số ca nhập viện tăng trở lại.


Anh Thư