Serbia báo động quân đội ở biên giới với Kosovo

Bộ trưởng Nội vụ Serbia Bratislav Gasic ngày 26-12 cho biết ông đã “ra lệnh sẵn sàng chiến đấu toàn diện” cho cảnh sát và các đơn vị an ninh khác, đồng thời đặt họ dưới sự chỉ huy của tổng tham mưu trưởng quân đội.

Ông Gasic tuyên bố ông hành động theo lệnh của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic để “thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ người dân Serbia ở Kosovo”.

Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Milos Vucevic ngày 26-12 cho biết: “Tổng thống Vucic với tư cách tổng tư lệnh tối cao đã lệnh cho quân đội báo động sẵn sàng chiến đấu cao. Chúng tôi đang trong trạng thái báo động cao nhất. Quân đội Serbia sẵn sàng tuân lệnh, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền Serbia cũng như công dân”.

Tuy nhiên, theo hãng tin AP, hiện chưa rõ mệnh lệnh này có ý nghĩa gì trên thực địa vì quân đội Serbia thực tế đã đặt trong tình trạng báo động ở biên giới với Kosovo thời gian qua.

Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Milos Vucevic (giữa) tại doanh trại quân đội ở Raska, miền Nam Serbia, ngày 26-12. Ảnh: AP

Cũng trong ngày 26-12, Lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo (KFOR) do NATO dẫn đầu cho biết họ đang điều tra một vụ nổ súng ở khu vực căng thẳng phía Bắc Kosovo, kêu gọi các quan chức quân sự hàng đầu của Serbia bình tĩnh khi điều quân tới biên giới để thể hiện sự sẵn sàng chiến đấu.

Vụ việc xảy ra vào tối 25-12 ở Zubin Potok, một thị trấn nơi người Serb đã dựng rào chắn đường trong hai tuần qua và là nơi căng thẳng đang lên cao. KFOR cho biết vụ việc xảy ra gần một trong những đội tuần tra của họ. Theo KFOR, không có ai bị thương và đang xác minh vụ việc.

Bộ trưởng Quốc phòng Serbia và tham mưu trưởng quân đội đã tới biên giới với Kosovo, ca ngợi khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Serbia cũng như hỏa lực của họ, bao gồm cả lựu pháo và nhiều khí tài quân sự. Serbia là quốc gia được trang bị vũ khí thông qua các khoản tài trợ và mua sắm quân sự của Nga.

KFOR tuần tra ở Bắc Mitrovica, Kosovo, ngày 13-12. Ảnh: Reuters

Kosovo vẫn là một điểm nóng tiềm ẩn ở khu vực Balkan nhiều năm sau cuộc chiến 1998-1999 kết thúc với sự can thiệp của NATO. Serbia không công nhận tuyên bố độc lập năm 2008 của Kosovo, trong khi các nỗ lực của phương Tây nhằm dàn xếp một giải pháp cho đến nay đều thất bại.

KFOR tuyên bố: “Điều quan trọng đối với các bên liên quan là tránh bất kỳ lời lẽ hay hành động nào có thể gây căng thẳng và leo thang tình hình. Chúng tôi mong muốn tất cả các bên tham gia kiềm chế không phô trương vũ lực và tìm kiếm giải pháp tốt nhất nhằm bảo đảm an toàn và an ninh cho tất cả các cộng đồng”.

Những lo ngại về xung đột giữa Serbia và Kosovo tăng vọt kể từ khi xung đột ở Ukraine bắt đầu. Mỹ và hầu hết thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã công nhận nền độc lập của Kosovo. Trong khi đó, Serbia dựa vào Nga và Trung Quốc để duy trì lập trường cứng rắn.


Huệ Bình