“Sát thủ thầm lặng” khiến thế giới mất hàng ngàn tỉ USD

Phân tích được công bố hôm 19-5 sử dụng mô hình kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và biến đổi khí hậu từ năm 1960 đến 2019, đồng thời so sánh tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên toàn thế giới trước và sau các sự kiện El Nino.

Theo hãng tin Bloomberg, các nhà nghiên cứu phát hiện biến đổi khí hậu từ năm 1997 – 1998 đã khiến GDP thế giới giảm 5.700 tỉ USD và tăng trưởng toàn cầu giai đoạn năm 1982 – 1983 giảm khoảng 4.100 tỉ USD.

Hai nhà khoa học thực hiện nghiên cứu nói trên, gồm Christopher Callahan và Justin Mankin, ước tính thiệt hại từ El Nino trong thế kỷ này có thể lên đến 84.000 tỉ USD, tương đương 1% GDP toàn cầu.

Báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới hôm 17-5 cho rằng khoảng 98% khả năng có ít nhất một trong 5 năm tới và cả giai đoạn 5 năm nói chung sẽ là khoảng thời gian nóng nhất từng được ghi nhận.

Theo nghiên cứu trên tạp chí Science hôm 18-5, việc con người sử dụng nước thiếu tính bền vững, những thay đổi về lượng mưa, dòng chảy, bồi lắng và nhiệt độ tăng cao khiến mực nước tích trữ của khoảng 53% hồ toàn cầu suy giảm, với tốc độ mất nước lên tới 24 tỉ tấn/năm trong giai đoạn 1992-2020.

Tình trạng này làm gia tăng mối lo ngại về thiếu nước sử dụng cho nông nghiệp, thủy điện và sinh hoạt.

Dòng sông Rio Grande khô nước từ đập Elephant Butte được xả vào sông Rio Grande khô cạn ở bang New Mexico – Mỹ hôm 13-5 Ảnh: REUTERS

Gần 2 tỉ người bị ảnh hưởng trực tiếp và nhiều khu vực phải đối mặt tình trạng thiếu nước trong những năm gần đây. Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo cần phải ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu vượt quá 1,5 độ C để tránh những hậu quả thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu. Hiện thế giới đã nóng lên khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tại châu Á, tình trạng nắng nóng gay gắt đã kéo dài trong những tuần qua do ảnh hưởng của El Nino. Nhiệt độ tăng lên mức cao kỷ lục ở Việt Nam và Lào vào đầu tháng 5 trong khi Singapore chứng kiến nhiệt độ lên đến 37 độ C – mức cao nhất trong 40 năm qua.

Trong khi đó, các nhà khí tượng học cũng cảnh báo các vụ cháy rừng sẽ diễn ra thường xuyên hơn và có sức tàn phá lớn hơn khi nhiệt độ tăng lên.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, khói từ cháy rừng là một phần của tình trạng ô nhiễm không khí toàn cầu, góp phần gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.

Hỗn hợp khí độc và các hạt bụi trong không khí đủ nhỏ để xâm nhập vào máu là một yếu tố rủi ro gây ra bệnh suy tim và bệnh phổi, đồng thời có thể dẫn đến suy giảm khả năng nói ở trẻ nhỏ và yếu cơ. Các vấn đề sức khỏe dai dẳng cũng sẽ làm tăng thêm chi phí, gây áp lực lên hệ thống y tế và tăng trưởng kinh tế.


Xuân Mai