“Sân chơi mới” của các cường quốc

Mỹ đã ký hiệp ước quốc phòng với Papua New Guinea (PNG) hôm 22-5 giữa lúc cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng PNG James Marape, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với PNG. Hai bên đã thảo luận về phát triển kinh tế, ngăn chặn khủng hoảng khí hậu và tầm quan trọng của việc duy trì cam kết của Mỹ với Thái Bình Dương.

Nằm ở phía Bắc nước Úc và là đảo quốc Thái Bình Dương đông dân nhất – với dân số gần 10 triệu người, PNG có vị trí chiến lược.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Blinken cho biết hiệp ước sẽ tăng cường khả năng của Lực lượng Phòng vệ PNG, tăng hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với thảm họa, đồng thời giúp các lực lượng Mỹ và PNG dễ dàng huấn luyện cùng nhau, củng cố ổn định và an ninh trong khu vực. Ông Blinken cho biết quan hệ đối tác doanh nghiệp cũng sẽ mang lại hàng chục tỉ USD đầu tư cho PNG.

Đáp lại, Thủ tướng PNG cho rằng thỏa thuận này sẽ giúp PNG đối phó những thách thức đáng kể, gồm việc cho phép PNG truy cập vào hệ thống giám sát vệ tinh của Mỹ để chống lại “các hoạt động bất hợp pháp trên biển”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (bìa phải) hội đàm với Thủ tướng Papua New Guinea James Marape hôm 22-5 Ảnh: TWITTER NGOẠI TRƯỞNG MỸ

Trong khi hiệp ước được xem là thỏa thuận bảo vệ biên giới lãnh thổ của PNG, các chuyên gia nhận định sự hiện diện của Trung Quốc ở Thái Bình Dương mới là động lực chính. Các chính trị gia đối lập ở PNG lo ngại hiệp ước với Mỹ sẽ khiến Trung Quốc khó chịu.

 Tuy nhiên, theo Reuters, ông Marape phủ nhận thỏa thuận với Mỹ sẽ cản trở PNG tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, vốn là đối tác thương mại quan trọng. Trước đó, ông Marape cho biết theo thỏa thuận quốc phòng mới, hiện diện quân sự của Mỹ sẽ tăng trong thập kỷ tới.

Theo hãng tin AP, hồi năm ngoái, quần đảo Solomon đã ký hiệp ước an ninh riêng với Trung Quốc, một động thái khiến Mỹ phải tái tập trung vào Thái Bình Dương, mở các đại sứ quán ở quần đảo Solomon và Tonga, khuyến khích đầu tư kinh doanh nhiều hơn…

Lẽ ra ông Joe Biden sẽ là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm PNG hôm 22-5 để ký hiệp ước. Thế nhưng, kế hoạch bị hủy để ông chủ Nhà Trắng tập trung vào các cuộc đàm phán nâng trần nợ công ở Mỹ.

Phản hồi thông tin về chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc tuyên bố không phản đối các hợp tác thông thường, song cảnh báo Mỹ không nên nhân danh hợp tác để thực hiện “các cuộc chơi địa chính trị” ở khu vực.

Ngoài hiệp ước phòng thủ, Mỹ cũng ký thỏa thuận hàng hải với PNG, cho phép Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ hợp tác chống lại hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp và buôn lậu ma túy. Theo Reuters, ông Blinken cũng gặp gỡ lãnh đạo của 14 quốc đảo Thái Bình Dương tại Diễn đàn Hợp tác Ấn Độ – Các quốc đảo Thái Bình Dương ở thủ đô Port Moresby của PNG.

Tại diễn đàn được tổ chức trước đó cùng ngày 22-5 này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bảo đảm New Delhi sẽ là đối tác đáng tin cậy của các quốc đảo nhỏ giữa những khó khăn do gián đoạn chuỗi cung ứng và biến đổi khí hậu. Ông Modi nhấn mạnh rằng Ấn Độ cam kết hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở. 

Trung Quốc trả đũa

Một tuyên bố hôm 21-5 của Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) cảnh báo các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng nước này không mua hàng hóa của Công ty Công nghệ Micron (Mỹ).

Đài CNN dẫn lời CAC: “Đánh giá cho thấy các sản phẩm của Micron có rủi ro an ninh mạng tương đối nghiêm trọng, gây rủi ro bảo mật đáng kể cho chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc và sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”. Tuyên bố được đưa ra hơn 7 tuần sau khi Trung Quốc tuyên bố điều tra hàng nhập khẩu từ nhà sản xuất chip lớn nhất nước Mỹ.

Micron cho biết họ đã nhận được thông báo từ CAC và đang đánh giá các bước tiếp theo, đồng thời mong muốn tiếp tục thảo luận với chính quyền Trung Quốc. Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ nhanh chóng lên tiếng nói đánh giá của Bắc Kinh “không có cơ sở thực tế”, khẳng định “hành động này, cùng với các cuộc kiểm tra công ty Mỹ khác gần đây, không phù hợp với khẳng định mở cửa thị trường và tuân thủ một khung pháp lý minh bạch của Trung Quốc”.

Theo Bloomberg, công nghệ đã trở thành lĩnh vực cạnh tranh quan trọng về an ninh quốc gia giữa hai nền kinh tế hàng đầu. Washington trước đó đã đưa nhiều công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen, hạn chế Trung Quốc mua chip và hạn chế công dân mình đầu tư vào ngành này ở Trung Quốc… Người sáng lập công ty tư vấn rủi ro Trenchcoat Advisors (Mỹ) Holden Triplett bình luận rằng quyết định của CAC là sự trả đũa Mỹ, đẩy nhiều nhà sản xuất chip khác vào thế thiếu ổn định.

Anh Thư


XUÂN MAI