Rút rồi lại đưa máy bay ném bom tới Guam, Mỹ làm rối trí đối thủ?

Ngày 1-5, Lực lượng Không quân Thái Bình Dương Mỹ (PACAF) thông báo 4 máy bay B-1 có khả năng mang trọng tải vũ khí lớn nhất trong phi đội này đã đến Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam để huấn luyện và thực hiện “nhiệm vụ răn đe chiến lược” tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Các máy bay ném bom chiến lược B-1 Lancer được triển khai từ căn cứ không quân Dyess ở bang Texas theo kế hoạch được không quân gọi là phi đội ném bom đặc nhiệm. 

Đây là kế hoạch được thiết kế để di chuyển các chiến đấu cơ khổng lồ tới các địa điểm vòng quanh thế giới nhằm khiến đối thủ của Mỹ không thể đoán được hỏa lực của nước này sẽ ở đâu vào thời gian nào.

Một chiếc máy bay ném bom B-1 cất cánh từ căn cứ Dyess ở bang Texas đến đảo Guam ngày 30-4. Ảnh: Không quân Mỹ

Lực lượng không quân Mỹ không cho biết 4 chiếc B-1 sẽ ở đảo Guam trong bao lâu.

Các nhà phân tích nhận định chiến thuật này giúp các lực lượng Mỹ khó trở thành mục tiêu hơn so với việc giữ chúng tại các căn cứ cụ thể như những gì Washington từng làm với máy bay ném bom ở đảo Guam.

Động thái trên, được mô tả chỉ là tạm thời, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington về vấn đề biển Đông và đại dịch Covid-19. 

Vào tuần trước, Bắc Kinh lớn tiếng tuyên bố đã “trục xuất” tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry của Mỹ khỏi biển Đông. 

Trung Quốc chưa bình luận gì về động thái triển khai máy bay B-1 đến đảo Guam nhưng đã cáo buộc Mỹ về hành động họ gọi là “quân sự hóa trên biển Đông” và “gây rối”.


Bảo Hạnh (Theo CNN, Sputnik News)