Phương Tây cũng không ngờ bước đi của Nga tại Trung Đông

Tổng thống Putin hôm 19-7 đã đến Tehran để hội đàm với các nhà lãnh đạo đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề cấp bách mà khu vực đang đối mặt. Những vấn đề này gồm xung đột ở Syria và cơ chế nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng Ukraine ở biển Đen để xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp mặt hôm 19-7. Ảnh: EPA-EFE

Theo tờ Guardian, ông Putin khẳng định trong chuyến thăm Tehran rằng những tiến bộ đạt được có thể cho phép Nga dỡ bỏ lệnh cấm đối với lúa mì của Ukraine, một vấn đề đang đe dọa gây khan hiếm lương thực trên khắp châu Phi. 

Tổng thống Putin cho hay Mỹ đã dỡ bỏ các hạn chế đối với việc cung cấp phân bón của Nga cho thị trường thế giới, đồng thời cho rằng nếu Mỹ thực sự muốn cải thiện tình hình trên thị trường lương thực quốc tế, Washington cần làm điều tương tự với nguồn cung cấp ngũ cốc xuất khẩu của Nga.

Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei gặp mặt hôm 19-7. Ảnh: EPA-EFE

Giá ngũ cốc ở châu Phi, lục địa nghèo nhất thế giới, đã tăng do lượng xuất khẩu từ Ukraine sụt giảm, làm gia tăng tác động của xung đột và biến đổi khí hậu, đồng thời làm dấy lên lo ngại về bất ổn xã hội. Liên Hiệp Quốc cho hay châu Phi đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng “chưa từng có” do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra.

Theo tờ Financial Times, Ukraine, EU và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các cuộc đàm phán về ngũ cốc sắp đạt được thỏa thuận có thể có hiệu lực ngay trong tuần này.

Trong khi đó, các quan chức phương Tây lo ngại Iran có thể can thiệp vào cuộc xung đột Ukraine sau khi Mỹ cảnh báo Iran chuẩn bị cung cấp cho Nga hàng trăm máy bay không người lái.

Các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây đối với Nga đã khiến Moscow tăng cường hợp tác với Tehran. Phát biểu tại Teheran, ông Putin đã chỉ trích phương Tây vì tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang năng lượng xanh.

Các quan chức trong chính quyền Tehran thừa nhận tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Moscow để thúc đẩy hợp tác ở Syria cũng như là một phương tiện để tăng cường thương mại khi họ đang đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế.

Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran hôm 19-7 đã công bố một biên bản ghi nhớ với Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) để giúp phát triển các mỏ dầu và khí đốt của Iran trong một thỏa thuận có thể trị giá 40 tỉ USD.

Trong cuộc gặp Tổng thống Putin, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei lặp lại lập luận của ông Putin rằng Mỹ và các đồng minh ở châu Âu đã khiến Điện Kremlin không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. 

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Iran cũng là một tín hiệu cho thấy sau khi châu Âu và Mỹ áp đặt lên Nga những biện pháp trừng phạt tương tự với những lệnh trừng phạt đã bóp nghẹt nền kinh tế Iran trong nhiều năm, mối quan hệ lâu dài giữa Moscow và Tehran đang trở nên bền chặt hơn.


Xuân Mai