Nỗi lo từ căn hộ trống ở Trung Quốc

Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 14-8 dẫn thống kê của BRI đầu tháng này cho biết tỉ lệ căn hộ trống trung bình ở Trung Quốc là 12,1%, so với mức 11,1% của Mỹ, 9,8% của Úc và đặc biệt là 0,9% của Anh.

Nhà kinh tế học Ren Zeping, từng làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc, hồi năm 2020 ước tính đại lục có khoảng 400 triệu căn hộ. Trong bối cảnh thị trường bất động sản chìm lắng, những căn hộ không người ở bắt đầu trở thành gánh nặng đối với chủ sở hữu.

Liu Hong – 36 tuổi, làm kiểm toán viên ở TP Thượng Hải – và cha mẹ cô hiện sở hữu 4 căn hộ ở các thành phố khác nhau trên khắp Trung Quốc nhưng có tới 3 căn thường không sử dụng.

 Liu mua một căn hộ ở quê nhà Cáp Nhĩ Tân cách đây 13 năm với giá 320.000 nhân dân tệ (47.500 USD), cách nơi ở của cha mẹ cô 2 dãy nhà. Đến năm 2015, Liu mua một căn hộ 2 phòng ngủ ở nơi mình lập nghiệp là Thượng Hải với giá 2,6 triệu nhân dân tệ (385.000 USD).

 Sau khi cha mẹ Liu nghỉ hưu, họ ở Thượng Hải với cô. “Không dễ để tìm được người thuê hoặc mua căn hộ ở Cáp Nhĩ Tân. Vì vậy, chúng bị để trống nhiều năm” – Liu giải thích.

Thành phố Du lịch Văn hóa Evergrande, một dự án của của tập đoàn China Evergrande ở tỉnh Giang Tô, đã bị tạm ngưng Ảnh: REUTERS

BRI cho biết nếu một lượng lớn căn hộ trống được tung ra thị trường ở Trung Quốc, áp lực giảm giá bất động sản sẽ bị đè nặng hơn.

Theo Sunshine Li – đại lý bất động sản ở TP Nam Xương – căn hộ trống hàng loạt là hệ quả của việc đổ xô mua bất động sản từ năm 2016-2018. Khoảng 1/5 số căn hộ ở Nam Xương bị để trống, xếp đầu trong danh sách 28 thành phố lớn của Trung Quốc được BRI khảo sát.

SCMP nhận định căn hộ trống chỉ là một mảng trong thị trường bất động sản hiện bước vào giai đoạn ảm đạm của Trung Quốc. Khoảng 21 công ty bất động sản lớn ở nước này đã vỡ nợ hồi năm ngoái, đáng chú ý nhất là Tập đoàn China Evergrande. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra các biện pháp hỗ trợ rõ ràng và chi tiết, thay vào đó chỉ cam kết ổn định thị trường nhà ở.


Phạm Nghĩa