Những ưu tiên của ASEAN năm 2023

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra ngày 4-2 tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta – Indonesia nhằm thảo luận về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các vấn đề quốc tế và khu vực, mang ý nghĩa định hướng quan trọng cho khối trong cả năm 2023.

Đại sứ Vũ Hồ, quyền Trưởng SOM ASEAN, cho biết các nước đã thảo luận tích cực, thống nhất các ưu tiên của ASEAN trong năm nay và nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho nhiều vấn đề mà ASEAN đang phải đối mặt. Theo đó, trong năm 2023, ASEAN sẽ chú trọng hợp tác bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tự cường y tế và ổn định tài chính – kinh tế.

Những vấn đề này không chỉ phù hợp sự quan tâm và lợi ích của các nước mà còn được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững ở khu vực, duy trì vị thế của ASEAN là động lực tăng trưởng toàn cầu, nâng cao năng lực ứng phó và tự cường của ASEAN trong môi trường khu vực, quốc tế đầy biến động.

Để thực hiện thành công các ưu tiên đề ra, các nước đều cho rằng hơn bao giờ hết, ASEAN cần một môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phục hồi và phát triển. ASEAN cần giữ vững độc lập, tự cường, duy trì đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm, đề cao đối thoại, hợp tác, hành xử trách nhiệm phù hợp với luật pháp quốc tế và khuyến khích các đối tác đóng góp xây dựng, cùng giải quyết các thách thức chung.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hôm 4-2 Ảnh: TTXVN

Nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, các nước đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết nâng cao năng lực thể chế của ASEAN để từng bước chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo của ASEAN. Theo đó, trước mắt sẽ nghiên cứu biện pháp tăng cường chức năng, vai trò của một số cơ quan trong ASEAN, nâng cao hiệu quả của cơ chế ra quyết định và thúc đẩy các giải pháp huy động nguồn lực.

Trên tinh thần cởi mở và thẳng thắn, các nước đã chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề được quan tâm ở khu vực và thế giới. Nhìn chung, các nước đều nhận định ASEAN cần duy trì đoàn kết, củng cố lập trường nguyên tắc, đồng thời có sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó kịp thời và hiệu quả với những biến động khó lường, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tại hội nghị, đoàn Việt Nam đã chủ động đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực, phù hợp quan tâm chung của các nước và khu vực. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thông báo kế hoạch Việt Nam tổ chức một số hoạt động về thúc đẩy phục hồi bao trùm trong ASEAN, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, cũng như một số hoạt động hợp tác với các đối tác.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh ASEAN cần duy trì cách tiếp cận cân bằng, hài hòa với các đối tác, phát huy hiệu quả và giá trị của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, thúc đẩy xây dựng lòng tin và hiểu biết, cùng hợp tác ứng phó các vấn đề đang nổi lên. Các sáng kiến ở khu vực cần xuất phát từ thiện chí hợp tác, bổ sung và tương hỗ cho các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, cùng đóng góp vào mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển.

Chia sẻ quan ngại chung về những biến động khó lường ở khu vực và quốc tế, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đặc biệt nhấn mạnh ASEAN cần duy trì đoàn kết, tự cường và linh hoạt thích ứng, củng cố nội lực, phát huy vai trò trung tâm.

Tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở biển Đông, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh ASEAN cần kiên trì, củng cố lập trường nguyên tắc, đề cao luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), hướng tới trật tự hàng hải khu vực dựa trên luật lệ, bảo vệ hiệu quả lợi ích chính đáng của tất cả quốc gia ven biển. 

Các bộ trưởng đã thảo luận cụ thể về kế hoạch triển khai Đồng thuận 5 điểm về Myanmar, khẳng định tiếp tục hỗ trợ Myanmar tìm kiếm giải pháp hòa bình và bền vững vì lợi ích của người dân Myanmar, nhấn mạnh cần sớm chấm dứt bạo lực, thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan.

Ngoài ra, hội nghị đã hoàn tất Tài liệu hướng dẫn quy chế quan sát viên cho Timor Leste và nhất trí xây dựng lộ trình kết nạp nước này.


Dương Ngọc