Người mới, thời mới, chiến lược mới

Khủng hoảng này mở ra một thời kỳ chính trị thế giới và chính trị an ninh thế giới mới, buộc ông Biden phải lưu ý thỏa đáng khi soạn thảo chiến lược.

Sự lưu ý này thể hiện ở nhận thức từ cuộc chiến ở Ukraine rằng Nga không mạnh về quân sự như Mỹ và NATO vẫn nghĩ và lo ngại. Cho nên, Nga ở vị trí sau Trung Quốc trong ưu tiên đối phó của Mỹ ở chiến lược an ninh quốc gia mới này.

Trong đó, ông Biden và cộng sự chỉ coi Nga là thách thức về vũ khí hạt nhân mà theo cách hiểu phổ cập lâu nay thì vũ khí hạt nhân chỉ có tác dụng răn đe chứ không ai dám sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công nữa.

Trung Quốc mới là địch thủ chính của Mỹ trong chiến lược mới của người mới cho thời mới. Biện luận của phía Mỹ khá sắc bén khi cho rằng Trung Quốc không những chỉ theo đuổi mưu tính chi phối trật tự thế giới mà còn là quốc gia duy nhất hiện tại trên thế giới có đủ tiềm lực về kinh tế và ngoại giao, quân sự và công nghệ để thực hiện được mưu tính này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc hội đàm trực tuyến hồi tháng 3-2022 Ảnh: REUTERS

So sánh với văn kiện tương tự của những người tiền nhiệm, chiến lược an ninh quốc gia của ông Biden, được công bố hôm 12-10, về cơ bản không khác biệt gì về định nghĩa lợi ích cơ bản và mục tiêu của Mỹ.

Những lợi ích ấy vẫn là bảo đảm an ninh cho nước Mỹ và dân Mỹ, vẫn là tiền đề thuận lợi, cơ hội và nguồn lực cho phát triển kinh tế Mỹ và vẫn là bảo vệ, quảng bá những giá trị dân chủ theo định nghĩa của Mỹ.

Những mục tiêu ấy vẫn là vai trò dẫn dắt và chi phối thế giới trên mọi phương diện, vẫn là quyết định luật chơi cho các cuộc chơi chung trên thế giới, vẫn là quyết định tiêu chí và quy chuẩn cho thương mại thế giới và các mối quan hệ kinh tế đối ngoại quốc tế.

Tất cả những điều trên đều được thể hiện trong chiến lược an ninh quốc gia của ông Biden, kết tụ trong câu tự nhận “nước Mỹ là một cường quốc toàn cầu với lợi ích toàn cầu”.

Điểm mới là cách tiếp cận của ông Biden trong thực hiện cụ thể để đạt được mục đích và lợi ích. Điều này bộc lộ rõ nét nhất trên ba khía cạnh.

Thứ nhất, xác định ưu tiên và thời gian. Trung Quốc rồi mới đến Nga và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chứ không phải khu vực Trung Đông và vùng Vịnh được dành cho ưu tiên cao nhất.

Chiến lược này xác định 10 năm tới quyết định thành bại đối với Mỹ trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói riêng, trong việc thực hiện các mục tiêu và lợi ích cơ bản lâu dài nói chung.

Thứ hai, phương tiện và phương cách thực hiện: Hành động đa phương chứ không manh động đơn phương, tranh thủ và thúc đẩy quan hệ hợp tác, liên kết, liên thủ với các đồng minh và đối tác trên cơ sở coi trọng lợi ích riêng của nhau chứ không bất chấp, thật ra vẫn “nước Mỹ trước hết” nhưng dùng hợp tác với đồng minh và đối tác để thực hiện. Đồng minh và đối tác trở thành phương tiện, thúc đẩy quan hệ hợp tác với họ trở thành phương cách.

Thứ ba, sự xóa nhòa ranh giới giữa đối nội và đối ngoại, gây dựng thành quả đối nội để phục vụ đối ngoại và đạt được thành tựu đối ngoại để phục vụ đối nội, đối nội cũng là đối ngoại và ngược lại.

Cách tiếp cận ở đây rất thực tiễn và phản ánh nhận thức của Mỹ là ở thời mới hiện tại không thể tự mình mà cần đồng minh và đối tác thì mới đạt được những mục tiêu đã đề ra. 


Ngải Sa