Ngỡ ngàng với khối tài sản Nga bị Hungary đóng băng

Điều này đồng nghĩa Hungary vẫn còn cơ hội nhận nguồn tiền viện trợ từ Liên minh châu Âu (EU).

“Các cuộc đàm phán khó khăn nhưng mang tính xây dựng giữa chính phủ Hungary và EC đã kết thúc vào ngày 18-9 sau nhiều tháng. Đàm phán kết thúc tốt đẹp. EC nhận thấy các biện pháp do chính phủ Hungary đề xuất có thể loại trừ những nỗi lo ban đầu của EC” – Bộ trưởng Varga nói.

Quan hệ Hungary – EU trong những tháng qua rơi vào trạng thái căng thẳng, khi Brussels nghi ngờ chính phủ Hungary tham ô dòng tiền từ EU.

Bộ trưởng Tư pháp Hungary Judit Varga. Ảnh: Reuters

Ủy viên châu Âu về Ngân sách và Hành chính Johannes Hahn hôm 18-9 chia sẻ với báo giới rằng EC đã đề xuất đóng băng dòng tiền trị giá ước tính 7,52 tỉ USD cho Hungary trong lúc chờ quốc gia này cải cách luật chống tham nhũng.

Tuyên bố trên được đưa ra 1 ngày sau khi chính phủ Hungary thông báo các nhà lập pháp nước này sẽ sớm bỏ phiếu về một loạt biện pháp phòng chống tham nhũng mới.

Các biện pháp dự kiến được bỏ phiếu bao gồm thiết lập thực thể phòng chống tham nhũng độc lập nhằm giám sát quá trình sử dụng nguồn tiền từ EU, cũng như các bước đi nhằm nâng cao tính minh bạch cho quy trình pháp lý.

Ông Hahn cho biết Hungary đã cam kết “thông báo đầy đủ” với EC về các biện pháp triển khai để giải quyết nỗi lo của EC trước ngày 19-11.

Ủy viên châu Âu về Ngân sách và Hành chính Johannes Hahn. Ảnh: Reuters

Trước đó, Ủy viên châu Âu về Tư pháp Didier Reynders khẳng định với đài La Chaine Info (LCI) rằng Hungary chỉ mới đóng băng 3.000 USD tài sản Nga, trong khi những quốc gia khác đã đóng băng hàng tỉ USD.

Theo ông Reynders, Bỉ là quốc gia đóng băng tài sản Nga mạnh tay nhất, với 3,5 tỉ USD. Đức, Áo, Luxembourg và Ireland cũng đã đóng băng hơn 1 tỉ USD tài sản Nga nhằm phản ứng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

“Đến nay, ở châu Âu, chúng tôi (các nước thành viên EU) đã đóng băng 14,5 tỉ USD tài sản Nga. Tuy nhiên, 90% số tiền này đến từ 6 nước. Nghĩa là chúng tôi cần làm việc với các nước còn lại, những nước không đóng băng hoặc chưa báo cáo” – ông Reynders nói.

Ủy viên châu Âu về Tư pháp Didier Reynders. Ảnh: Reuters


Cao Lực