Nga bơm khí đốt sang Trung Quốc, Mỹ không thể cứu châu Âu

Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình Nga Rossiya-1 liệu Nga có thay thế đường ống khí đốt Nord Stream 2 bằng Asian Force Siberia 2 (tạm dịch là Thế lực châu Á Siberia 2) hay không, ông Novak trả lời: “Có”.

Trước đó, bên lề chuyến thăm Uzbekistan, Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak cho hay Nga và Trung Quốc sẽ sớm ký các thỏa thuận về việc cung cấp 50 tỉ m3 khí đốt mỗi năm qua đường ống Thế lực châu Á Siberia 2 trong tương lai. Khối lượng khí đốt được cung cấp này gần như ngang bằng công suất vận chuyển tối đa của Nord Stream 2 là khoảng 55 tỉ m3, hệ thống đã ngừng hoạt động kể từ hôm 2-9.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) , Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải),Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh (trái) hội đàm hôm 15-9. Ảnh: Reuters

Đường ống Thế lực châu Á Siberia 2, một phần đi qua Mông Cổ, sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc vốn tiêu thụ nhiều năng lượng. Hoạt động xây dựng đường ống này sẽ bắt đầu vào năm 2024.

Cùng ngày, tại cuộc hội đàm 3 bên với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh tuyên bố ủng hộ việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt này.

Đến năm 2025, khi đạt công suất tối đa, đường ống “Thế lực châu Á Siberia 2” sẽ cung cấp 61 tỉ m3 khí đốt mỗi năm, nhiều hơn Nord Stream 1, trong đó có 38 tỉ m3 sẽ đến Trung Quốc theo hợp đồng ký năm 2014 giữa Tập đoàn dầu khí Gazprom (Nga) và đối tác Trung Quốc CNPC.

Bộ Năng lượng Nga cũng cho biết hai bên đã ký các thỏa thuận xây dựng một tuyến đường vận chuyển mới từ Vladivostok ở vùng viễn Đông của Nga đến miền Bắc Trung Quốc, cung cấp thêm 10 tỉ m3 khí đốt.

Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu và khí đốt của Mỹ không thể tăng mức sản lượng hiện tại lên quá nhiều trong ngắn hạn để bù đắp nguồn cung dầu của Nga khi lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực vào cuối năm nay.

Theo tờ Financial Times, chuyên gia đầu tư Wil VanLoh thuộc Công ty Quantum Energy Partners (Mỹ) nhận định: “Mỹ không thể cung cấp thêm nữa. Sản lượng của chúng tôi chỉ có thế”. Theo ông VanLoh, các nhà sản xuất Mỹ không thể giải cứu châu Âu, cả về dầu mỏ lẫn khí đốt.

Nguồn cung năng lượng liên tục bị siết chặt đã gây áp lực lên giá dầu và khí đốt. Chiến lược gia năng lượng Christyan Malek của Tập đoàn JPMorgan cho biết điều này có thể đẩy giá dầu lên tới 150 USD/thùng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng cảnh báo giá dầu có thể tăng khi lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga từ đường biển của châu Âu có hiệu lực vào cuối năm nay.


Xuân Mai